Hàn Quốc trước nguy cơ thiếu hụt 14.000 lao động ngành đóng tàu

Số liệu từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho thấy trong số 1.595 lao động nước ngoài được cấp thị thực làm việc liên quan đến ngành đóng tàu từ tháng 1/2022-1/2023, lao động Việt Nam chiếm 51,1% với 880 người.
Hàn Quốc trước nguy cơ thiếu hụt 14.000 lao động ngành đóng tàu ảnh 1Một tàu chở hàng container đang được đóng mới tại xưởng đóng tàu của Daewoo DSME ở Okpo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Số liệu thống kê của Hiệp hội đóng tàu và hàng hải Hàn Quốc (KOSHIPA) công bố mới đây cho thấy số lượng công nhân đóng tàu ở Xứ sở Kim chi đã giảm khoảng 53,3% từ mức 203.441 người (của năm 2014) xuống còn 95.030 người (cuối tháng 10/2022).

Dự kiến đến cuối năm 2023, ngành đóng tàu của Hàn Quốc có thể thiếu hụt 14.000 lao động.

Để giải quyết vấn đề cấp bách này, Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp như mở rộng việc thuê lao động nước ngoài và quyết định rút ngắn thời gian tiến hành thủ tục hành chính.

Số liệu từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc (MOJ) cho thấy trong số 1.595 lao động nước ngoài được cấp thị thực làm việc liên quan đến ngành đóng tàu (thị thực E-7) trong giai đoạn từ tháng 1/2022-1/2023, lao động Việt Nam chiếm 51,1% với 880 người.

Giáo sư Kim Yong-hwan thuộc khoa Kỹ thuật Hàng hải tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU) Hàn Quốc nhấn mạnh: “So với các quốc gia khác trên thế giới, lao động Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong ngành đóng tàu hơn. Ngoài việc sở hữu năng lực tay nghề khá trong lĩnh vực này, bản tính siêng năng của người lao động Việt Nam cũng là một yếu tố khác thu hút sự quan tâm của các công ty Hàn Quốc."

[Hàn Quốc - thị trường xuất khẩu lao động nhiều tiềm năng của Việt Nam]

Các nước có đông người làm trong lĩnh vực đóng tàu tại Hàn Quốc tiếp theo đến là Thái Lan (233 người), Uzbekistan (200 người), Indonesia (82 người), Ấn Độ (56 người) và một số ít lao động đến từ các quốc gia khác. Xét theo loại hình công việc, thợ sơn tàu là loại hình công việc tiếp nhận được nhiều lao động nhất với 533 người, sau là thợ hàn, thợ điện và kỹ sư nhà máy.

Để nhanh chóng tiếp nhận được số lượng lớn lao động nước ngoài, MOJ cũng đã cải thiện đáng kể các yêu cầu về thị thực E-7 từ tháng 1 vừa qua, chẳng hạn tăng số lượng nhân viên sàng lọc thị thực và miễn giấy chứng nhận năng lực trong vòng 2 năm.

Hiện MOJ đã phái cử tổng cộng 20 người là nhân viên hỗ trợ thẩm định đặc biệt về thị thực cho lao động ở ngành đóng tàu tới các thành phố lớn như Busan, Ulsan, Changwon và Geoje (tỉnh Nam Gyeongsang), Mokpo (tỉnh Nam Jeolla), nhằm đẩy nhanh quy trình cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Bên cạnh đó, theo quy định mới thời gian từ lúc thẩm định cho tới khi được cấp thị thực sẽ được rút ngắn từ 5 tuần xuống còn trong vòng 10 ngày.

Ba “ông lớn” trong ngành đóng tàu Hàn Quốc là Công ty Đóng tàu và Công nghiệp cơ khí ngoài khơi Hàn Quốc (KSOE), Tập đoàn Cơ khí hàng hải và Đóng tàu Daewoo (DSME) và Công ty Công nghiệp nặng Samsung (Samsung SHI) đã có kế hoạch mở rộng tuyển dụng lao động nước ngoài. Cụ thể, KSOE sẽ tuyển dụng 900 lao động, DSME tuyển 1.500 người và Samsung SHI tuyển 1.200 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục