Hãng hóa chất Bayer đặt mục tiêu thân thiện môi trường vào năm 2030

Hãng hóa chất và dược phẩm Bayer của Đức có kế hoạch giảm khoảng 4 triệu tấn CO2 thải ra mỗi năm bằng việc chuyển sang dùng năng lượng tái tạo vào tiết kiệm năng lượng.
Biểu tượng Bayer tại nhà máy ở Wuppertal, miền tây nước Đức, ngày 23/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng Bayer tại nhà máy ở Wuppertal, miền tây nước Đức, ngày 23/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn hóa chất và dược phẩm khổng lồ Bayer của Đức ngày 10/12 thông báo đặt mục tiêu trở thành một công ty "thân thiện môi trường" vào năm 2030, theo đó sẽ giảm thiểu khí thải thông qua việc đền bù toàn bộ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà công ty thải ra.

Trong một bài viết trên nhật báo kinh doanh Handelsblatt, Giám đốc điều hành (CEO) Werner Baumann cho biết: "Bayer sẽ trở thành một công ty thân thiện môi trường vào năm 2030."

Ông viết: "Sự bền vững sẽ là một thành tố không thể thiếu trong hoạt động và thành công kinh tế lâu dài của chúng tôi" và nhấn mạnh rằng trong tương lai, khí thải cũng như các mục tiêu tài chính sẽ tác động đến lương của chính các nhà quản lý và giới chủ của tập đoàn.

Công ty có trụ sở tại thành phố Leverkusen này có kế hoạch giảm khoảng 4 triệu tấn CO2 thải ra mỗi năm, bằng việc chuyển sang dùng năng lượng tái tạo vào tiết kiệm năng lượng.

Phần khí thải còn lại sẽ được "bù" bằng việc áp dụng công nghệ hấp thụ khí CO2.

[Tập đoàn Bayer đối mặt với 42.700 đơn kiện liên quan thuốc diệt cỏ]

Thông báo của Bayer cũng cho biết tập đoàn này sẽ phối hợp với các nhà cung cấp và người tiêu dùng để cắt giảm khí thải trong chuỗi cung ứng của mình, cũng như hướng đến giảm khí thải trong khâu đóng gói sản phẩm và logistic.

Sau khi mua lại công ty hạt giống và thuốc trừ sâu Monsanto của Mỹ năm ngoái với giá 63 tỷ USD, Bayer đã trở thành một trong những công ty hóa nông nghiệp lớn nhất thế giới.

Đặt mục tiêu cao nhất là giảm khí thải CO2, công ty cho biết sẽ hướng tới mục tiêu "vào năm 2030, giảm 30% khí thải tính trên kg mỗi mùa vụ thu hoạch tại các thị trường nông nghiệp lớn, và tác động môi trường của việc bảo vệ mùa màng (tức là sử dụng thuốc trừ sâu)."

Thuốc diệt cỏ glyphosate nổi tiếng của Monsanto, loại nguyên liệu thường dùng trong các sản phẩm mang nhãn hiệu Roundup - nằm trong tầm ngắm của dư luận khi Bayer đang phải đối phó một lúc với khoảng 43.000 vụ kiện tụng tại Mỹ.

Các bên nguyên đơn cho rằng loại thuốc diệt cỏ này gây ung thư và nhiều bệnh khác. Bayer đang kháng cáo các phán quyết của tòa cấp dưới. Trong khi đó, các cuộc đàm phán hòa giải với các đại diện của nguyên đơn cũng đang diễn ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục