Hành trình phục hồi hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc

Hồ Nguy Sơn, rộng 1.266km2, thuộc tỉnh Sơn Đông, là hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc Trung Quốc và là trung tâm của kênh đào Đại Vận Hà, một di sản thế giới.
Hành trình phục hồi hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ảnh 1Hồ Nguy Sơn. (Nguồn: Wikipedia)

Hồ Nguy Sơn, rộng 1.266km2, thuộc tỉnh Sơn Đông, là hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc Trung Quốc và là trung tâm của kênh đào Đại Vận Hà, một di sản thế giới.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp địa phương từng gây ô nhiễm nghiêm trọng hồ Nguy Sơn trước khi hồ này lấy lại được vẻ đẹp quyến rũ và thu hút khách du lịch.

Hồ Nguy Sơn cùng 3 hồ nước khác hợp thành vùng hồ Nansi. Cách đây 4 thập kỷ, hồ Nansi là nơi cư trú của loài vịt đầu đen Baer's Pochard, loài có tên trong danh sách động vật quý hiếm được bảo vệ hàng đầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, loài vật này đã dần biến mất và câu trả lời cho hiện tượng này đã nhanh chóng được tìm ra. Đó là 4.000 trạm nước thải dọc 53 con sông chảy vào vùng hồ Nansi. Chất thải đổ vào hồ Nguy Sơn khiến nước hồ hôi thối, nổi bọt bẩn và làm cá chết.

[Hồ nước ngọt lớn nhất thế giới Baikal bị hủy hoại nghiêm trọng]

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng này đã cảnh tỉnh người dân địa phương, nhắc nhở họ rằng tài nguyên thiên nhiên phải được trân trọng và sử dụng một cách bền vững hơn.

Trong những năm gần đây, một loạt biện pháp hành chính, pháp lý và công nghệ đã được áp dụng nhằm khôi phục môi trường sinh thái hồ Nguy Sơn.

Khu vực nuôi trồng thủy hải sản được thu hẹp, một số doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc đổi địa điểm, và tăng dần các quy định giảm ô nhiễm.

Các thành phố và huyện tại vùng lòng chảo Nansi đã ký nhiều thỏa thuận chung nhằm ngăn chặn ô nhiễm và bồi thường sinh thái.

Tháng 2/2021, người dân địa phương đã bất ngờ phát hiện những con vịt Baer's Pochard xuất hiện ở vùng hồ Nansi. Chất lượng nước hồ đã được cải thiện rất đáng kể, bằng chứng là sự trở lại của nhiều loài chim hoang dã.

Để bảo vệ hồ nước ngọt này, nhiều biện pháp bảo vệ môi trường đã được đưa ra, thực hiện chính sách bảo tồn của địa phương mang tên “trả lại nước cho hồ,” theo đó các hoạt động đánh bắt cá được kiểm soát chặt chẽ quanh hồ.

Những năm gần đây, các khu vực đánh bắt cá quanh hồ Nguy Sơn đã giảm 14.580 hectare.

Trái ngược với hoạt động đánh bắt cá quá mức trước đây, chính quyền địa phương đã phát triển một mô hình đánh bắt mới, phối hợp với phát triển du lịch nông thôn.

Vào đầu mùa Thu, tại thị trấn Gaolou thuộc huyện Nguy Sơn, người ta có thể thấy những lá sen xanh phủ đầy mặt hồ. Trồng sen rất ít ảnh hưởng đến chất lượng nước vì ít cần thuốc trừ sâu.

Các phần còn lại của cây sen sau khi được thu hoạch có thể trở thành thức ăn cho tôm, giúp giảm chi phí nuôi tôm. Đến nay, tổng diện tích trồng sen và nhiều loại cây thủy canh khác tại huyện Nguy Sơn đã lên tới 6,6 hectare.

Trong khi đó, một khu vực rộng khoảng 3 hecta áp dụng công nghệ nuôi trồng hỗn hợp sen và tôm.

Trong một khu ngư nghiệp hiện đại mới xây dựng tại huyện Nguy Sơn, những con robot thông minh không phải là những điểm nhấn duy nhất. Hệ thống lọc, khử trùng, cung cấp ôxy cũng như khử nitơ vận hành phối hợp nhằm hiện đại hóa nghề cá.

Giám đốc trung tâm thử nghiệm này, ông Mou Changjun cho biết khoảng 1,62 tỷ nhân dân tệ (232 triệu USD) đã được đầu tư vào khu công nghiệp này.

Ở đây có 9 khu nuôi trồng với nước tiêu chuẩn cao. Tổng không gian chứa nước là 12.000m3, công suất nuôi trồng lên tới 5 tỷ con cá mỗi năm.

Du lịch cũng đang góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tháng 7 vừa qua, hồ Nguy Sơn được nâng hạng là điểm hút khách du lịch 5A cấp quốc gia và số khách đến đây đã tăng lên 300.000 lượt khách trong tháng 7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục