Hoàn thiện hồ sơ, kế hoạch hành động bảo tồn sao la

Hội thảo quốc tế về công tác bảo tồn sao la lần thứ 2 tại Huế nhằm mục tiêu hoàn thiện hồ sơ và kế hoạch hành động bảo tồn sao la.
Ngày 27/4 tại Huế, Hội thảo quốc tế về công tác bảo tồn sao la lần thứ 2 do WWF (Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế tổ chức đã kết thúc sau 3 ngày làm việc.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên của địa phương, trong nước và quốc tế đến dự.

Hội thảo lần này nhằm mục tiêu hoàn thiện hồ sơ và kế hoạch hành động bảo tồn sao la, tiến hành triển khai thực hiện các hợp phần chính; thỏa thuận về xây dựng các chiến lược thực thi cũng như các yêu cầu tối thiểu cho các Khu bảo tồn sao la.

Hội thảo cũng nhằm cập nhật danh sách công tác của nhóm công tác sao la trong thời gian đến, trong đó có phần đóng góp từ các đối tác; giới thiệu tầm quan trọng của thực thi pháp luật và bảo vệ sao la tại hiện trường; xây dựng các chương trình hành động nhằm cải thiện thực thi pháp luật tại các Khu bảo tồn sao la.

Hội thảo còn là cơ hội để tìm kiếm những giải pháp tăng cường bảo tồn sao la như bảo vệ vùng sinh cảnh tự nhiên của sao la, ngăn chặn săn bẫy, nghiên cứu để phát hiện sao la trên hiện trường, nâng cao nhận thức và đào tạo cán bộ bảo tồn làm công tác này.

Lần đầu tiên sao la được ghi nhận dấu vết và hình ảnh thực ở Thừa Thiên-Huế vào tháng 1/1998 tại thôn Hộ, xã Dương Hòa, Hương Thủy.

Theo IUCN (Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới), sao la là một loài thú quý hiếm với số lượng quần thể rất nhỏ, hiện được xem là loài “cực kỳ nguy cấp” trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới và phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng rất cao trong tự nhiên.

Hiện hai địa phương trong vùng gồm Thừa Thiên-Huế và tỉnh Quảng Nam cùng cam kết bảo tồn loài sao la. Đây là hai khu bảo tồn sao la nằm gần nhau với một khu mở rộng có diện tích 165km2 nối hai khu bảo tồn này với vườn quốc gia Bạch Mã rộng 220km2, tạo ra một khu vực sinh sống an toàn rất cần thiết cho loài sao la.

Đây cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như mang Trường Sơn, voọc ngũ sắc, vượn má trắng và còn nhiều loài khác mới được phát hiện và chưa được công bố.../.

Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục