Hy Lạp tuyên bố không có vấn đề về thanh khoản trong ngắn hạn

Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp cuối tuần qua đã lên tiếng phủ nhận việc thời báo Phố Wall dẫn lời ông nói rằng Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt vào tháng Ba tới do nguồn thu thuế không được như dự tính.
Hy Lạp tuyên bố không có vấn đề về thanh khoản trong ngắn hạn ảnh 1Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble (trái) và người đồng cấp Hy Lạp Yanis Varoufakis đàm phán về gói cứu trợ cho Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp Georges Stathakis cuối tuần qua đã lên tiếng phủ nhận việc thời báo Phố Wall dẫn lời ông nói rằng Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt vào tháng Ba tới do nguồn thu thuế không được như dự tính. Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Dimitris Mardas cũng khẳng định Hy Lạp sẽ không có vấn đề về thanh khoản trong vài tháng tới.

Hy Lạp sẽ phải trả số lãi khoảng 2 tỷ euro (gần 2,3 tỷ USD) vào tháng Hai và thanh toán khoản vay 1,5 tỷ euro cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng Ba. Những nghĩa vụ này đã gây lo ngại rằng Hy Lạp có thể thiếu tiền.

Trong khi đó, thời báo Phố Wall đã dẫn lời ông Stathakis nói rằng thu thuế của Hy Lạp giảm khoảng 7% từ tháng 11 đến tháng 12/2014, tương đương với 1,5 tỷ euro và có thể giảm một mức tương tự trong tháng 1/2015.

Chính phủ mới ở Hy Lạp đã từ chối nhận khoản giải ngân cuối cùng là 7,2 tỷ euro mà kèm theo đó là các yêu cầu khắc khổ trước khi chương trình cứu trợ kết thúc vào cuối tháng này, bày tỏ mong muốn thương lượng lại về toàn bộ gói cứu trợ.

Nước này đã đề nghị được trợ giúp tài chính tạm thời, có thể đến cuối tháng Năm tới, để trang trải các chi phí trong khi việc thương lượng lại về chương trình cứu trợ diễn ra.

Hy Lạp nhắm đến 1,9 tỷ euro lợi nhuận mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận được từ số trái phiếu của nước này và muốn được phép huy động thêm tiền thông qua việc phát hành trái phiếu ngắn hạn. Tuy nhiên, "chương trình bắc cầu" mà Hy Lạp đề xuất này đi ngược lại lập trường của các đối tác châu Âu về việc đạt thỏa thuận trước khi chương trình cứu trợ kết thúc hoặc là Hy Lạp phải đề nghị gia hạn gói cứu trợ để tiếp tục hỗ trợ tài chính cho nước này.

Ngày 5/2, Bộ trưởng Tài chính hai nước Đức và Hy Lạp hội kiến tại Berlin, nhưng đã không đạt được tiến bộ hướng tới giải quyết yêu sách của chính phủ mới ở Athens đòi sửa đổi những điều khoản của gói cứu trợ khổng lồ cho Hy Lạp.

Hai quan chức đã không thảo luận về việc thay đổi lịch trình trả nợ của Hy Lạp hay khả năng xóa một phần khoản nợ và bàn về đề xuất của Athens tạo ra một chương trình cho vay bắc cầu kéo dài đến tháng Năm nhằm duy trì khả năng thanh toán cho các ngân hàng và cho chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras thời gian để đàm phán về những thay đổi trong chương trình cứu trợ với các chủ nợ quốc tế.

Trong những ngày qua, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và nhiều thành viên chính phủ đã dẫn đầu các phái đoàn đến Brussels, Frankfurt, nơi có trụ sở ECB và thủ đô nhiều nước châu Âu để vận động thương lượng lại món nợ hơn 300 tỷ euro.

Tối 4/2, chính phủ Athens đã bị dội một gáo nước lạnh đầu tiên. ECB tuyên bố sẽ không cung ứng trực tiếp thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp, tất cả đều phải thông qua Ngân hàng trung ương của nước này. Thế nhưng, Chính phủ Hy Lạp vẫn chủ trương chính sách cứng rắn, tiếp tục tìm cách để có được sự ủng hộ của người dân và gây áp lực với châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục