IMF: Hàng nghìn tỷ USD tài sản ròng của Mỹ có thể "bốc hơi"

IMF cảnh báo một cuộc suy thoái nghiêm trọng có thể "thổi bay" số tài sản công trị giá 5.000 tỷ USD của Mỹ, gây thiệt hại lớn đến tài chính nước này thay vì chỉ tăng nợ và thâm hụt ngân sách.
IMF: Hàng nghìn tỷ USD tài sản ròng của Mỹ có thể "bốc hơi" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: World Finance)

Ngày 9/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo một cuộc suy thoái nghiêm trọng có thể "thổi bay" số tài sản công trị giá 5.000 tỷ USD của Mỹ, gây thiệt hại lớn đến tài chính nước này thay vì chỉ tăng nợ và thâm hụt ngân sách.

Báo cáo của IMF nêu rõ các chính phủ trên thế giới, trong đó có nhiều nước đang đối mặt với nguy cơ tương tự, hiện không công khai lượng tài sản ròng.

Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách không thể sử dụng nguồn thông tin này để ngăn chặn các rủi ro kinh tế.

Trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 3,7% trong năm tới. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định nguy cơ suy thoái của Mỹ đang tăng lên do một số yếu tố, trong đó có căng thẳng thương mại và lãi suất ngày càng tăng.

Báo cáo nhấn mạnh thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn hiện rõ trong tài sản công một thập kỷ sau đó, khi lượng tài sản ròng của 17 nền kinh tế phát triển là 11.000 tỷ USD, thấp hơn so với thời điểm trước khi khủng hoảng xảy ra.

[Chủ tịch Fed: Kinh tế Mỹ ít có nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn]

Theo báo cáo, các quốc gia với cách tiếp cận rộng hơn trong vấn đề tài chính sẽ đối mặt với chi phí vay nợ thấp hơn, giúp họ có sức bật tốt hơn trong trường hợp xảy ra suy thoái.

Tuy nhiên, sau một thập kỷ phục hồi, tài sản ròng của đa số các nước trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đều giảm.

Cụ thể, tài sản ròng của Trung Quốc đã giảm xuống mức 8% GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) do các khoản vay ngoài ngân sách của chính quyền địa phương và lợi nhuận kém của các doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, tài sản ròng của Mỹ đã liên tục giảm trong gần 4 thập kỷ. Do tác động còn lưu lại sau cuộc khủng hoảng tài chính, tài sản ròng của Mỹ trong năm 2016 đã giảm xuống mức thấp hơn GDP 17%.

Hai công ty cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac được Chính phủ Mỹ mua lại trong cuộc khủng hoảng tài chính, đã cho khối tư nhân vay lượng tiền bằng 44% GDP.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất vẫn đến từ phúc lợi hưu trí của chính quyền bang và địa phương, do các khoản tiền này có thể "bốc hơi" khi thị trường chứng khoán Phố Wall giảm sâu.

Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách chính quyền địa phương sẽ bị thâm hụt, khi các thành phố và bang phải cắt giảm chi tiêu trong lĩnh vực khác, qua đó khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ước tính các quỹ phúc lợi trên toàn nước Mỹ đã bị thiếu vốn ở mức 8% GDP.

Thông qua công cụ "kiểm tra sức chịu đựng" của FED trong quản trị ngân hàng, IMF phát hiện ra rằng tình trạng suy thoái nghiêm trọng sẽ khiến số tài sản công của Mỹ giảm tới 26% GDP vào năm 2020. Với mức GDP như hiện nay, thì con số trên tương đương với 5.000 tỷ USD.

Trong trường hợp xảy "đại suy thoái" trên toàn cầu, việc tăng lãi suất trong lúc giá cổ phiếu và bất động sản đi xuống sẽ khiến bong bóng nợ công tăng 9% trong khi tài sản ròng giảm 17%.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá bất động sản giảm kéo theo sự đi xuống của giá trị tài sản công. Báo cáo nhấn mạnh tỷ lệ vỡ nợ các khoản thế chấp, vay nợ của sinh viên, cũng như thiếu hụt tài chính cho quỹ phúc lợi sẽ tăng vọt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục