Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia lạc quan với mục tiêu giảm 70% rác thải nhựa trên đại dương vào năm 2025.
Quyền Thứ trưởng phụ trách điều phối nguồn nhân lực hàng hải của Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư, bà Aniza nhấn mạnh đây là một mục tiêu tương đối lớn và đầy tham vọng.
Tuy nhiên, chính phủ, đặc biệt là các cơ quan liên quan phải tự tin đặt ra mục tiêu cao hơn trước vấn đề cấp bách này, để bảo vệ hệ sinh thái dưới nước khỏi nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa.
Dựa trên dữ liệu mà Bộ Điều phối Hàng hải và Đầu tư thu thập được, vào năm 2023, khoảng 12,87 triệu tấn rác thải nhựa đã xuất hiện rải rác ở các vùng biển Indonesia.
Chính phủ đã thực hiện một số chính sách để giải quyết vấn đề này, trong đó có chương trình “Sứ mệnh Indonesia 2024.” Đây là một trong những chính sách tập trung vào nghiên cứu rác thải và vi nhựa ở vùng biển Indonesia.
Trong loạt nghiên cứu do tổ chức phi lợi nhuận thám hiểm đại dương toàn cầu OceanX cùng Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia (BRIN) ở Indonesia phối hợp thực hiện, các nhà khoa học đã tìm thấy rác thải nhựa ở những độ sâu nhất định nhưng không nhiều như ở một số quốc gia khác.
“Sứ mệnh Indonesia 2024” còn có sự tham gia của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Các nhà nghiên cứu đã lấy một số mẫu nước để kiểm tra vi hạt nhựa ở vùng biển Indonesia.
Kết quả nghiên cứu về hạt vi nhựa được coi là rất quan trọng để làm tài liệu nghiên cứu hoặc đưa ra lời cảnh báo sớm cho chính phủ và cộng đồng nói chung trong việc bảo vệ đại dương khỏi ô nhiễm rác thải.
Một số chuyên gia cho rằng hạt vi nhựa có thể gây ô nhiễm biển và các hệ sinh thái liên quan. Nếu cá ăn vi nhựa và con người tiêu thụ thực phẩm này, điều này có thể gây ra mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng./.
Khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm nằm sâu dưới đáy biển
Khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 đến 11.000m.