Indonesia: Núi lửa Anak Krakatau phun tro bụi cao hơn 2.000m

Núi lửa Anak Krakatau bắt đầu "thức giấc" vào lúc 5 giờ 29 sáng 29/12 và phun trào dung nham trong 2 phút, tạo ra cột khói bụi bao phủ cả khu vực rộng lớn của huyện Rajabasa.
Indonesia: Núi lửa Anak Krakatau phun tro bụi cao hơn 2.000m ảnh 1Một đám tro bụi bốc lên từ Anak Krakatau tại đảo Rakata ở Nam Lampung ngày 18/7/2018. (Nguồn: AFP)

Ngày 29/12, ngọn núi lửa Anak Krakatau tại tỉnh Lampung của Indonesia đã bất ngờ phun trào dung nham, tạo ra cột khói tro bụi cao hơn 2.000m, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương cũng như trực tiếp đe dọa sự an toàn của hàng nghìn người sinh sống ở khu vực xung quanh núi lửa.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, thông tin dữ liệu từ Trung tâm Năng lượng và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên Khoáng sản Indonesia cho thấy núi lửa Anak Krakatau bắt đầu "thức giấc" vào lúc 5 giờ 29 sáng 29/12 (giờ địa phương) và phun trào dung nham trong 2 phút.

Đợt phun trào này đã tạo ra cột khói bụi bao phủ cả khu vực rộng lớn của huyện Rajabasa, phía Nam tỉnh Lampung.

[Núi lửa ở New Zealand: Không có dấu hiệu còn sự sống trên Đảo Trắng]

Nhà chức trách Indonesia đã ban bố tình trạng báo động cấp 2 sau vụ phun trào này.

Đến nay, mặc dù chưa có thiệt hại về người nhưng chính quyền địa phương vẫn khuyến cáo người dân và khách du lịch nên chuẩn bị các phương án đề phòng và tránh xa khu vực núi lửa Anak Krakatau.

Anak Krakatau là ngọn núi lửa thường xuyên hoạt động, nhưng đây là lần "thức giấc" đầu tiên trong tháng 12/2019. Gần đây nhất, Anak Krakatau đã phun trào vào ngày 27/10.

Năm 2018, núi lửa này liên tiếp phun trào, trong đó có những đợt phun trào tạo ra cột khói bụi cao hơn 3.000m.

Đáng chú ý, năm 1883, núi lửa Krakatau trong quá trình phun trào đã tạo ra vụ nổ lớn nhất trong lịch sử Indonesia được ghi nhận được, cướp đi sinh mạng của khoảng 36.000 người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục