Núi lửa ở New Zealand: Không có dấu hiệu còn sự sống trên Đảo Trắng

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết các máy bay do thám làm nhiệm vụ tại khu vực núi lửa thông báo không có dấu hiệu của sự sống trên Đảo Trắng.
Tro bụi phun lên từ miệng núi lửa White Island tại New Zealand ngày 9/12. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tro bụi phun lên từ miệng núi lửa White Island tại New Zealand ngày 9/12. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo các số liệu cập nhật đến chiều 10/12, đã có 6 người thiệt mạng và 8 người vẫn đang mất tích sau vụ núi lửa phun trào trên Đảo Trắng một ngày trước đó tại nước này.

Tuy nhiên, do lo ngại núi lửa có thể bất ngờ hoạt động trở lại, các lực lượng cứu hộ cho biết không thể tiến hành hoạt động tìm kiếm đối với những người mất tích.

Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết các máy bay do thám làm nhiệm vụ tại khu vực núi lửa thông báo không có dấu hiệu của sự sống trên Đảo Trắng.

Cảnh sát cũng cho rằng ít có khả năng có người sống sót do sức nóng từ núi lửa phả ra rất khủng khiếp.

Phát biểu tại quốc hội, ông Ardern đánh giá vụ núi lửa phun trào này là thảm họa.

Ông nói: "Chính phủ New Zealand chia sẻ và gửi lời chia buồn tới các gia đình, người thân của những nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa trên."

Trước đó, cảnh sát cho biết tại thời điểm núi lửa phun trào, có 47 người đang du lịch trên đảo; trong đó 24 người Australia, 9 người Mỹ, 4 người Đức, 2 người Trung Quốc, 2 người Anh, 1 người Malaysia và 5 người New Zealand.

[Núi lửa phun trào ở New Zealand: Cảnh sát mở cuộc điều tra hình sự]

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương dẫn các nguồn từ chuyên gia y tế, cho biết hầu hết các du khách bị tổn thương phổi do hít phải khí lưu huỳnh dioxit và tro núi lửa.

Theo tiến sỹ John Bonning đang làm việc tại khoa cấp cứu của bệnh viện Waikato, một trong 4 bệnh viện ở New Zealand có khoa điều trị bỏng, các bệnh nhân bị bỏng nặng ở da do khí nóng, tro và mảnh vụn từ núi lửa, cũng như ở đường hô hấp do hít phải khí lưu huỳnh dioxit, metan và các hóa chất khác.

Một số bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng và bỏng sâu ở các bộ phận cơ thể, thậm chí một số trường hợp bỏng trên 50% cơ thể, cần được phẫu thuật, ghép da và các hỗ trợ điều trị khác.

Thời gian phục hồi của những bệnh nhân này có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, để lại nhiều vết sẹo và có thể mất một số chức năng.

Giới chức y tế New Zealand cho biết trong số 31 người bị thương trong vụ phun trào núi lửa trên Đảo Trắng, 27 người bị bỏng hơn 30% cơ thể, trong đó nhiều người bị bỏng đường hô hấp.

Theo người đứng đầu ngành y tế New Zealand, Pete Watson, các bệnh nhân đã được chuyển tới các khoa bỏng ở thành phố Christchurch, Waikato, Thung lũng Hutt và bệnh viện Midlemore ở Auckland, khiến các cơ sở này đang phải hoạt động hết công suất.

Theo các chuyên gia y tế, New Zealand là nơi có các khoa điều trị bỏng chất lượng cao, do vậy các bệnh nhân sẽ được điều trị tốt và nhanh chóng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục