Indonesia phát hiện núi lửa khổng lồ dưới biển

Báo chí Indonesia ngày 30/5 đưa tin, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện một núi lửa khổng lồ nằm sâu dưới đáy đại dương, cách đảo Sumatra khoảng 330km về phía Tây. Phát hiện này đã gây tranh luận trong giới nghiên cứu Indonesia.

Báo chí Indonesia ngày 30/5 đưa tin, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện một núi lửa khổng lồ nằm sâu dưới đáy đại dương, cách đảo Sumatra khoảng 330km về phía Tây. Phát hiện này đã gây tranh luận trong giới nghiên cứu Indonesia.

Trong một đợt nghiên cứu địa chất vùng biển cực sâu với sự hỗ trợ của các nhà khoa học Pháp, một nhóm các nhà địa chất học Indonesia thuộc Viện Nghiên cứu khoa học (LIPI), Cơ quan đánh giá và ứng dụng công nghệ (BPPT), Bộ Năng lượng và khoáng sản, đã phát hiện núi lửa trên hồi đầu tháng này.

Núi lửa có đường kính 50km, cao 4.600m, nằm ở độ sâu 5.980m, tức là đỉnh của ngọn núi này cách mặt nước biển tới 1.380m. Núi lửa này được cho là lớn hơn tất cả các núi lửa đang hoạt động trên mặt đất ở Indonesia và chỉ đứng sau núi lửa Jayawijaya ở Papua.

Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu và thu thập thêm số liệu để có những thông tin chính xác hơn về núi lửa khổng lồ này.

Tuy nhiên, phát hiện trên đã gây tranh cãi trong giới nghiên cứu ở Indonesia. Ông Muhamad Hedrasto, người phụ trách bộ phận theo dõi núi lửa thuộc Trung tâm nghiên cứu giảm nhẹ thiên tai (PVMBG) tỏ ý hoài nghi khi cho rằng hiện chưa có đủ chứng cứ để khẳng định sự tồn tại của núi lửa trên.

Ông cho biết hiện tại, ở Indonesia có 4 núi lửa nằm dưới biển có dấu hiệu hoạt động, song PVMBG không đủ thiết bị hiện đại để theo dõi núi lửa ngầm dưới biển, do đó cần phải chờ đợi kết quả nghiên cứu của các cơ quan khoa học khác.

Tiến sĩ Iskandar Zulkarnaen, thuộc LIPI, cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng khó có khả năng một núi lửa lớn như vậy bỗng nhiên xuất hiện mà không có những dấu hiệu báo trước. Ông cho biết đến nay LIPI chưa nhận được báo cáo chính thức về phát hiện núi lửa mới.

Trong khi đó, một chuyên gia của Cơ quan địa chất, trụ sở tại Bandung, tỉnh Tây Java bày tỏ lo ngại nếu núi lửa mới hoạt động sẽ gây ra triều cường và những đợt sóng thần vô cùng nguy hiểm.

Ông kêu gọi các nhà khoa học nghiên cứu toàn diện, đồng thời đưa ra những dự báo về khả năng hoạt động cũng như phạm vi ảnh hưởng mà núi lửa này có thể gây ra nếu nó phun trào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục