Iran chỉ trích chính sách châu Âu khiến hệ thống INSTEX thất bại

CBI cho rằng INSTEX đã thất bại do các nước châu Âu không phát huy tối đa sức mạnh tài chính và chính trị độc lập cũng như không thường xuyên cung cấp nguồn lực tài chính cho hệ thống này.
Iran chỉ trích chính sách châu Âu khiến hệ thống INSTEX thất bại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AIBE)

Theo phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh, Ngân hàng Trung ương Iran (CBI) ngày 17/1 cho rằng Công cụ Hỗ trợ Trao đổi Thương mại (INSTEX) không hoạt động hiệu quả là do chính sách của các nước châu Âu trong thời gian qua.

INSTEX là cơ chế thanh toán của giữa châu Âu và Iran nhằm giúp Tehran tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ

Nhóm E3 (gồm Anh, Pháp, Đức) là các nước châu Âu tham gia ký kết Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) đã thiết lập hệ thống INSTEX vào tháng 1/2019 nhằm cứu vãn tình hình sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân. 

Tuy nhiên, CBI cho rằng INSTEX đã thất bại do các nước châu Âu không phát huy tối đa sức mạnh tài chính và chính trị độc lập cũng như không thường xuyên cung cấp nguồn lực tài chính cho hệ thống này. CBI đưa ra tuyên bố trên nhằm đáp lại cáo buộc của Đức trước đó một ngày, trong đó cho rằng Tehran phải "chịu trách nhiệm" về sự thất bại của INSTEX.

[Anh, Pháp và Đức cảnh báo Iran về kế hoạch sử dụng nhiên liệu urani]

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng nhận định rằng các nhà lãnh đạo E3 đã không có những hành động cần thiết để bảo vệ JCPOA. 

Các nhà lãnh đạo E3 cho rằng chương trình làm giàu urani của Iran có thể phục vụ cho mục đích quân sự và điều này vi phạm JCPOA. Phản ứng về thông tin này, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không công bố những thông tin có thể khiến cộng đồng quốc tế hiểu lầm về chương trình hạt nhân của Iran.

JCPOA đã bị "lung lay" đáng kể kể từ tháng 5/2018, khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm gây áp lực buộc Tehran đàm phán lại.

Không chấp nhận áp lực từ Mỹ, Iran cắt giảm dần các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tăng mức làm giàu urani trở về ngưỡng 20%. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết lên tới 90%, mức đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hồi tháng trước, Quốc hội Iran đã thông qua luật yêu cầu chính phủ nước này mở rộng hoạt động hạt nhân, trong đó có việc đưa vào sử dụng nhà máy urani ở Isfahan trong vòng 5 tháng.

Ngoài ra, nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ không được nới lỏng trước ngày 21/2/2021, tức một tháng sau khi Mỹ có chính phủ mới, Iran sẽ đẩy mạnh hoạt động làm giàu urani và sẽ giới hạn vai trò thanh tra của IAEA ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục