ITU sẽ lập hệ thống theo dõi dữ liệu bay theo thời gian thực

ITU nhất trí lập hệ thống theo dõi dữ liệu bay theo thời gian thực

Tại phiên họp của Liên minh Viễn thông Quốc tế, các đại biểu đã nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống theo dõi dữ liệu chuyến bay theo thời gian thực nhằm bảo đảm an toàn hàng không.

Tiếp nối các hoạt động tại kỳ họp lần thứ 19 của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đang diễn ra tại thành phố Busan, phía nam Hàn Quốc, ngày 5/11, các đại biểu tham dự phiên họp toàn thể đã nhất trí về sự cần thiết phải xây dựng một hệ thống theo dõi dữ liệu chuyến bay theo thời gian thực nhằm bảo đảm an toàn hàng không.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận hiện vẫn còn nhiều thách thức về mặt công nghệ và rủi ro địa chính trị trong tiến trình này.

Trong một nỗ lực toàn cầu nhằm đảm bảo an toàn hơn cho các chuyến bay, vào tuần trước, các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực viễn thông của Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết nhằm cải thiện việc theo dõi hành trình các chuyến bay hàng không dân dụng trên toàn cầu và chỉ thị Hội nghị Vô tuyến Thế giới (WRC) – cơ quan trực thuộc ITU chịu trách nhiệm quản lý phổ tần vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, tiến hành thảo luận về việc thiết lập hệ thống theo dõi hành trình các chuyến bay toàn cầu tại hội nghị sắp tới dự kiến diễn ra vào tháng 11/2015 tại Thụy Sĩ.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của ITU, đại diện phái đoàn Malaysia, nước chịu nhiều tổn thất trong vụ máy bay MH370 chở 239 hành khách bị mất tích hồi tháng Ba vừa qua, cho biết: “Chúng tôi mong muốn các cuộc thảo luận trong khuôn khổ WRC sẽ được bắt đầu ngay trong năm 2015. Chúng tôi không thể chờ đợi đến năm 2019. Song chúng tôi cũng hiểu rằng việc này sẽ mất nhiều thời gian và có nhiều vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết.”

Đại diện phái đoàn Nigeria cho biết: “Tại một số khu vực ở châu Phi, khi máy bay bay qua các khu vực này, các phi công không có thông tin liên lạc với các đài kiểm soát không lưu. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, thậm chí bọn khủng bố có thể tận dụng cơ hội này để tấn công máy bay.

Vì vậy sự đồng thuận của ITU trong vấn đề này là một bước tiến dài trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, đồng thời gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng ITU hiện rất quan tâm và trong tương lai hệ thống trên có thể được triển khai tại các khu vực thường xảy ra xung đột.”

Đại diện phái đoàn Trung Quốc biểu thị sự ủng hộ mạnh mẽ và cho rằng điều này thể hiện “ý chí chính trị rất nghiêm túc” của ITU, mặc dù tổ chức này còn tỏ ra thận trọng trong việc phân bổ băng tần mới cho hệ thống định vị vệ tinh.

Về vấn đề mạng lưới vệ tinh và tác động phức tạp của nó lên hệ thống trên mặt đất, phái đoàn Trung Quốc cho biết: "Trung Quốc ủng hộ việc hội nghị toàn thể ITU có thể đưa ra một số gợi ý cho WRC, tuy nhiên điều đó không nên được hiểu theo nghĩa ITU làm thay công việc của WRC.”

Trong khi đó, đại diện phái đoàn Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất nhấn mạnh sự hợp tác toàn cầu giữa với cơ quan hữu quan như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) nhằm thực hiện các bước cần thiết để hiện thực hóa vấn đề trên.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện ICAO – cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc chịu trách nhiệm quản lý tần số vô tuyến hàng không, nhấn mạnh ICAO sẽ hợp tác với ITU và cho rằng “tất cả các thành viên ICAO và ITU cần được khuyến khích để cung cấp các phân bổ phổ tần cần thiết trong thời gian sớm nhất vì đây là nhu cầu cần thiết đối với ngành hàng không hiện nay”.

Đại diện ICAO cũng cho rằng “việc cung cấp này nên bao gồm phổ tần cho các dịch vụ vệ tinh, vô tuyến để sử dụng trong việc đảm bảo an toàn cho các chuyến bay” vì việc sử dụng vệ tinh giám sát các chuyến bay sẽ tối ưu hơn nhiều các phương pháp tiếp cận khác và không cần phải lắp thêm thiết bị trên các chuyến bay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục