Khai mạc Hội nghị doanh nghiệp CLMV - Ấn Độ lần thứ hai

Sáng 11/12, Hội nghị doanh nghiệp các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) - Ấn Độ lần thứ hai đã khai mạc tại thủ đô New Delhi.
Khai mạc Hội nghị doanh nghiệp CLMV - Ấn Độ lần thứ hai ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)

Sáng 11/12, Hội nghị doanh nghiệp các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) - Ấn Độ lần thứ hai đã khai mạc tại khách sạn Taj Palace, trung tâm thủ đô New Delhi.

Hội nghị do Bộ Công Thương Ấn Độ và Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) phối hợp tổ chức nhằm tạo thuận lợi và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và các nước CLMV.

Tham dự hội nghị có quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp các nước CLMV và Ấn Độ. Trong đó, đoàn Việt Nam gồm 130 đại biểu doanh nghiệp, do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải dẫn đầu; đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành và cán bộ phụ trách kinh tế, thương mại thuộc Đại sứ quán Việt Nam.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Chandrajit Banerjee - Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) hoan nghênh đại diện các nước CLMV đã tới tham dự hội nghị doanh nghiệp cùng các đối tác Ấn Độ.

Ông Banerjee nhấn mạnh các nước CLMV là một bộ phận không thể tách rời của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm 32% diện tích địa lý và khoảng 9% giá trị kinh tế của ASEAN.

Các nước CLMV đang trải qua thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, với những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế mở cửa, đã đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô trong những năm gần đây và có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Theo ông Banerjee, mục đích của hội nghị là tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách các nước CLMV gặp gỡ hàng loạt đại diện công ty Ấn Độ trong lĩnh vực thương mại, chế tạo, cơ khí, chế biến, xây dựng, tư vấn và cung ứng hàng hóa. Đây cũng là dịp thể hiện tiềm năng của ngành công nghiệp-thương mại Ấn Độ và tạo cơ hội hợp tác giữa Ấn Độ với các nước CLMV.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ Việt Nam luôn quan tâm theo dõi và đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã đạt được trong thời gian qua trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế, xã hội. Ấn Độ hiện đang giữ vai trò ngày càng quan trọng, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Với tiềm lực to lớn và những thế mạnh của mình, Ấn Độ có thể hỗ trợ các nước CLMV thông qua các hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực hợp tác kinh doanh, sản xuất, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy trao đổi thương mại liên vùng, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật, nâng cao năng lực.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh hiện Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN khác hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015, hình thành một thị trường chung với dân số 600 triệu người, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 2.500 tỷ USD, có tự do di chuyển vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập thị trường ASEAN.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, Việt Nam nhận thấy việc tăng cường hợp tác khu vực, hợp tác giữa các tiểu vùng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực nói chung.

Việt Nam luôn ủng hộ các sáng kiến, đề xuất của Ấn Độ nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN bao gồm việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 nước đối tác của ASEAN, trong đó có Ấn Độ; thúc đẩy việc thành lập Trung tâm thương mại và đầu tư ASEAN - Ấn Độ.

Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, cũng như giữa các nước CLMV và Ấn Độ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề xuất 6 điểm như sau:

Thứ nhất, Ấn Độ và các nước CLMV cần khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng những ưu đãi về tiếp cận thị trường của mỗi nước trong Hiệp định thương mại hàng hóa (AITIG); tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp hai nước; hạn chế tối đa việc áp dụng các rào cản thương mại, đầu tư.

Thứ hai, Ấn Độ cần hỗ trợ các nước CLMV phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải qua biên giới trong đó có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không.

Thứ ba, các bên cần đơn giản hóa và tăng cường tính minh bạch của các quy định, thủ tục thông qua việc phát triển hệ thống hải quan hiện đại, biệt lập, nâng cao chất lượng dịch vụ và thông tin cho các thương nhân và nhà đầu tư, thông qua các cổng thương mại điện tử; Ấn Độ và các nước CLMV cần phát triển hệ thống trung tâm hậu cần dọc theo tuyến vận tải hành lang MeKong - Ấn Độ đáp ứng việc cung cấp các dịch vụ trữ hàng, đóng gói, sửa chữa, ngân hàng, bảo hiểm...

Thứ tư, các bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN - Ấn Độ, xúc tiến việc thành lập Trung tâm Thương mại và đầu tư ASEAN - Ấn Độ, tiếp tục phối hợp tổ chức Hội chợ thương mại ASEAN - Ấn Độ; đẩy mạnh hợp tác hợp tác tiểu vùng MeKong - Ấn Độ…

Thứ năm, các bên cần thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại về dịch vụ và đầu tư ASEAN - Ấn Độ của tất cả các nước ASEAN, nhằm thiết lập khu vực thương mại tự do toàn diện, đầy đủ giữa ASEAN và Ấn Độ, tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN, Ấn Độ và các đối tác khác đàm phán RCEP.

Thứ sáu, các bên tăng cường hợp tác trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước, trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo nhằm mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong việc nâng cao năng lực, chất lượng quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục