Khoanh vùng đất nhiễm dioxin bằng cây bồ kết

Hàng rào bằng cây bồ kết trồng xen keo gai ở vùng trọng điểm nhiễm chất dioxin tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cao hơn 1m.
Tiến sĩ Phùng Tửu Bôi, Trung tâm Hỗ trợ bảo vệ thiên nhiên và Phát triển Cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết hiện hàng rào bằng cây bồ kết trồng xen keo gai bao bọc xung quanh vùng trọng điểm nhiễm chất dioxin, khoảng 1ha tại xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cao hơn 1m.

Việc dựng nên hàng rào này nhằm ngăn cách tuyệt đối khu vực ô nhiễm dioxin với cộng đồng dân cư.

Sau khi kiểm tra dự án khoanh vùng đất nhiễm độc dioxin bằng hàng rào cây bồ kết, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đánh giá cao hiệu quả của hàng rào xanh này, bởi nó không chỉ rẻ tiền, bền vững, có tác dụng hạn chế sự tiếp xúc của người và vật nuôi đối với vùng đất còn đang tiềm tàng khả năng hủy diệt do chất dioxin, mà nó còn có khả năng mang lại nguồn lợi kinh tế cho người dân địa phương từ thu hoạch quả bồ kết.

Hơn nữa, hàng rào này cũng giúp cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về khả năng phân hủy của chất dioxin.

Dự án này được triển khai cách đây hơn 3 năm, nhưng do cây vận chuyển từ xa tới và phương thức trồng, chăm sóc không đúng kỹ thuật, trâu bò dẫm đổ và bị lũ lụt tàn phá nên thất bại.

Ngay sau đó, được sự hỗ trợ kịp thời của Tổ chức War legacies, Mỹ và chính quyền địa phương, Trung tâm đã hướng dẫn người dân địa phương gieo trồng tại chỗ, chăm sóc đúng cách và bảo vệ nghiêm ngặt, nên hàng rào cây bồ kết trồng xen keo gai phát triển tốt, chiều rộng hơn 2m bao quanh toàn bộ khu vực có dư lượng dioxin vào loại đậm đặc nhất khu vực A So, A Lưới, có tác dụng ngăn chặn sự di chuyển của con người và gia súc vào vùng nguy hiểm này.

Hiện Trung tâm tiếp tục hướng dẫn đồng bào huyện A Lưới trồng thêm cây mây, bồ kết, cây keo và cây dó trầm tại vườn nhà nhằm mang lại nguồn thu nhập cao và bền vững cho người dân nơi đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục