Khủng hoảng năng lượng làm phức tạp việc cắt giảm phát thải carbon

Muốn các nước cắt giảm mạnh lượng phát thải carbon, đẩy nhanh bước đi hướng đến không phát thải carbon dự kiến sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Khủng hoảng năng lượng làm phức tạp việc cắt giảm phát thải carbon ảnh 1Khói bốc lên từ hệ thống phát thải tại nhà máy ở Australia. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng mạnh, than đá, khí đốt tự nhiên, dầu mỏ đều xuất hiện tình trạng cung không đủ cầu.

Bên cạnh việc gây ra tình trạng thiếu điện, giá cả tăng vọt, thì hiệu ứng dây chuyền của cuộc khủng hoảng năng lượng lan từ châu Á và châu Âu này còn kích hoạt một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng không thể tránh khỏi.

Trong bối cảnh nguồn cung năng lượng tái tạo không đáp ứng đủ, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh.

Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow từ 31/10-12/11 tìm cách thúc đẩy gần 200 quốc gia cập nhật cam kết ứng phó biến đổi khí hậu.

Nguyên thủ các nước sẽ thảo luận các chủ đề toàn cầu như phương án và hành động ứng phó biến đổi khí hậu tại hội nghị lần này.

Tuy nhiên, muốn các nước cắt giảm mạnh lượng phát thải carbon, đẩy nhanh bước đi hướng đến không phát thải carbon dự kiến sẽ là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Khủng hoảng năng lượng từ châu Á sang châu Âu

Bengaluru được mệnh danh là “thung lũng Silicon Ấn Độ” là trung tâm công nghệ và thông tin quan trọng của Ấn Độ.

Dịch COVID-19 buộc nhiều nhân viên văn phòng và sinh viên phải làm việc và học tập tại nhà, nhưng tình trạng thiếu điện gần đây dẫn đến việc cắt điện trên diện rộng đã khiến mọi người cảm thấy bất lực.

Hiện nay, kinh tế Ấn Độ đang dần hồi phục sau suy thoái từ làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Tuy nhiên, sản lượng cung ứng điện không bắt kịp tốc độ phát triển kinh tế và nhu cầu điện công nghiệp tăng vọt.

[Lượng khí phát thải carbon toàn cầu tăng cao nhất trong 9 năm qua]

Giá than đá quốc tế leo thang dẫn đến chi phí của nhiều nhà máy nhiệt điện dựa vào nguồn than đá nhập khẩu của Ấn Độ gia tăng, buộc họ phải cắt giảm nhập khẩu, chuyển sang mua than đá của các doanh nghiệp quốc doanh trong nước để phát điện.

Tuy nhiên, mặc dù các mỏ than Ấn Độ do doanh nghiệp quốc doanh phụ trách sản xuất đã tìm cách tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng vì thời tiết không thuận lợi nên sản lượng suy giảm, tình trạng khó khăn về nguồn cung cho các nhà máy phát điện vẫn không thể được giải quyết hoàn toàn.

Bên cạnh Ấn Độ, từ giữa tháng Bảy năm nay, nhiều địa phương ở Trung Quốc cũng đã lần lượt xuất hiện tình trạng thiếu điện do thiếu nguồn cung than đá.

Những tháng gần đây, Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp để tăng cường nguồn cung ứng than, bao gồm gia tăng nhập khẩu, đẩy mạnh khai thác các mỏ than địa phương, huy động nguồn than dự trữ.

Khủng hoảng năng lượng làm phức tạp việc cắt giảm phát thải carbon ảnh 2Khai thác than tại cảng Hoàng Hoa ở Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 7/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dưới ảnh hưởng của kinh tế phục hồi sau đại dịch, thời tiết cực đoan, chuỗi cung ứng gián đoạn, cũng như dự trữ khu vực và toàn cầu không đủ, nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu về khí đốt tự nhiên tăng mạnh trong những tháng gần đây. Cục diện cung cầu mất cân đối khiến giá năng lượng tăng vọt.

Từ tháng Năm đến nay, giá khí đốt tự nhiên của Pháp thể hiện rõ xu thế tăng thẳng đứng, giá tháng Mười tăng hơn 10% so với tháng Chín. Hàng chục nhà cung ứng khí đốt tự nhiên của Đức cũng đã nâng giá bán trong mùa Thu, biên độ bình quân tăng trên 10%.

Giá khí đốt tự nhiên của Trung tâm giao dịch khí đốt tự nhiên Hà Lan, được xem là tiêu chuẩn của châu Âu cũng đã tăng từ mức 16 euro/MW vào đầu tháng 1/2021 lên 75 euro/MW vào giữa tháng Chín vừa qua, tăng 3,6 lần trong vòng 1 năm.

Ở Anh, sau khi các trạm xăng ở các thành phố lớn thông báo nhiên liệu đã bán hết từ cuối tháng Chín, nguồn cung khí đốt tự nhiên của địa phương cũng gặp khó khăn. 85% gia đình ở Anh đều sử dụng khí đốt tự nhiên để sưởi ấm, hiện nay hàng tồn kho khan hiếm nên chắc chắn sẽ đẩy cao chi tiêu năng lượng của hộ gia đình.

Sự biến động chưa từng có của thị trường điện và khí đốt tự nhiên đã tác động trực tiếp đến các nhà cung ứng năng lượng của Anh, giá cả tăng vọt bóp nghẹt lợi nhuận buộc nhiều nhà cung ứng phải lựa chọn phương án đóng cửa. Từ tháng Tám đến nay, Anh đã có 8 nhà cung ứng năng lượng ngừng hoạt động kinh doanh.

Giá khí đốt tự nhiên leo thang lan khắp toàn cầu, Singapore cũng bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng và áp lực tiền điện tăng phi mã. Ít nhất có ba nhà bán lẻ điện của Singapore đã lần lượt rút khỏi thị trường trong hai tuần qua.

Thiếu hụt năng lượng ảnh hưởng đến giá điện chỉ là phần nổi của tảng băng. Cuộc khủng hoảng lần này đã kích hoạt hiệu ứng dây chuyền không thể tránh khỏi, ảnh hưởng đến ngành sản xuất và xuất khẩu hàng hóa chiến lược, khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu xuất hiện khủng hoảng.

Trung Quốc là nước cung ứng kim loại ròng lớn nhất toàn cầu, chiếm ít nhất 1/3 nhu cầu hàng hóa thế giới. Để giải quyết nhu cầu năng lượng, một số nhà máy luyện kẽm và nhôm của Trung Quốc đã phải cắt giảm sản lượng, điều này khiến cho giá cả đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Nhôm là một trong những kim loại được sử dụng rộng rãi trong đời sống, nhưng quá trình sản xuất đòi hỏi tiêu hao năng lượng lớn.

Trong khủng hoảng năng lượng toàn cầu lần này, sản lượng nhôm giảm mạnh chắc chắn sẽ gây nên cú sốc chưa từng có đối với nhiều lĩnh vực, bao gồm ngành sản xuất, ngành thực phẩm…

Căng thẳng cung ứng điện đã khiến “nguồn cung nhôm liên tục sụt giảm ở quy mô lớn nhất lịch sử.” Dự tính, các biện pháp hạn chế sản xuất sẽ làm cho sản lượng hàng năm giảm khoảng 3 triệu tấn.

Tình trạng thiếu điện của Trung Quốc cũng khiến nhiều nhà máy sản xuất ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng.

Thời gian giao hàng kéo dài, cộng thêm ngành vận tải biển vốn đã đối diện với tình trạng tắc nghẽn trên đường vận chuyển, nên việc giao quần áo, đồ chơi, hàng hóa điện tử xuất khẩu của Trung Quốc vào dịp lễ cuối năm nay sẽ tiếp tục bị trì hoãn lâu hơn.

Các nhà máy cắt giảm sản lượng cũng khiến cho nguồn cung chip vốn đã căng thẳng sẽ tiếp tục khan hiếm.

Theo “ông lớn” công nghệ Apple, hãng sẽ cắt giảm mục tiêu sản xuất điện thoại iPhone 13 năm nay.

Cùng với thời kỳ thu hoạch vụ Thu đang đến, việc thiếu hụt năng lượng cũng làm cho hoạt động thu hoạch của nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất toàn cầu là Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn. Rủi ro mà chuỗi cung ứng thực phẩm đối diện cũng khiến cho mọi người dấy lên lo ngại về giá thực phẩm tăng vọt.

Các nhà máy phân bón hóa học ngừng sản xuất ảnh hưởng đến sản lượng CO2, nguồn cung thực phẩm châu Âu bị đe dọa.

Ở châu Âu, phản ứng dây chuyền từ sự thiếu hụt của nguồn cung khí đốt tự nhiên cũng gián tiếp đe dọa nguồn cung thực phẩm địa phương. Trong đó, nhân tố lớn nhất gây xáo trộn chuỗi cung ứng lại là chất CO2 vô hình.

CO2 là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất phân bón hóa học, giá khí đốt tự nhiên leo thang khiến cho các nhà sản xuất phân bón hóa học phải đóng cửa do không chịu nổi gánh nặng chi phí, kéo theo lượng cung ứng CO2 cũng sụt giảm tương ứng. CO2 được sử dụng rộng rãi trong hàng trăm sản phẩm thực phẩm, bao gồm sản xuất đồ uống có gas, thịt đóng hộp, bảo quản thực phẩm tươi sống trong quá trình vận chuyển, gây mê động vật trước khi giết thịt…

Thiếu hụt CO2 gây nên vấn đề cung ứng nghiêm trọng đối với ngành thực phẩm của Anh.

Theo các nhà cung ứng thịt lớn, họ buộc phải ưu tiên cân nhắc sử dụng nguồn lực hiện có như thế nào.

Các công ty vận chuyển hàng cho siêu thị phản ánh, thiếu hụt CO2 cũng khiến cho một số loại thực phẩm đông lạnh chỉ có thể “dự trữ hạn chế.”

Nippon Gas, công ty cung cấp khí công nghiệp có doanh số 1,5 tỷ USD ở thị trường châu Âu năm 2020 cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung CO2 của Anh đang lan đến châu Âu. Theo ước tính, lượng cung ứng của Nippon Gas trong toàn bộ khu vực đã giảm 50%.

Năng lượng xanh tạm thời chưa thể thay thế nhiệt điện than

Gần 10 năm nay, thúc đẩy chuyển đổi xanh ít carbon đã dần trở thành nhận thức chung của nhiều nước trên toàn cầu, gần đây có khuynh hướng chuyển sang các loại năng lượng tái tạo như phong điện, quang điện, thủy điện...

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay đã phản ánh một thực tế tàn khốc mà quá trình chuyển đổi năng lượng đối mặt: Mặc dù đầu tư của toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch giảm xuống, nhưng năng lượng xanh vẫn không kịp lấp đầy khoảng trống của nhiệt điện than.

Anh là nước đi tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, đứng đầu thế giới về xây dựng chính sách môi trường.

Năm 2008, Anh chính thức công bố “Luật biến đổi khí hậu,” trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng hình thức luật pháp để cố gắng thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải trung và dài hạn.

Anh cam kết sẽ loại bỏ nhiệt điện than trước tháng 10/2024, tuy nhiên, đối mặt với tác động kép của việc thiếu gió và giá khí đốt tự nhiên leo thang, Anh buộc phải đi ngược lại mục tiêu cắt giảm carbon, tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than vốn đang ở trạng thái dự phòng, tăng đáng kể sản lượng nhiệt điện để giải quyết vấn đề thiếu điện.

Hạn hán do thời tiết cực đoan cũng khiến cho nhiều khu vực ở các nước như Mỹ, Brazil, Trung Quốc… xuất hiện tình trạng hồ chứa nước khô cạn, sản lượng thủy điện sụt giảm mạnh.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thủy điện chiếm gần 15,8% tổng sản lượng điện toàn cầu, phong điện chiếm 5,5%. Khi năng lượng sạch chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, các nước buộc phải đi ngược lại kế hoạch chuyển đổi năng lượng, thông qua năng lượng hóa thạch truyền thống để thay thế sự thiếu hụt của năng lượng tái tạo.

Sản lượng nhiệt điện than năm nay của Mỹ dự kiến tăng 22% so với cùng kỳ, ghi nhận lần đầu tiên tăng trưởng trong gần 7 năm qua.

Cơ quan năng lượng quốc tế dự đoán, sau khi giảm 4,6% trong năm 2020, sản lượng nhiệt điện than toàn cầu sẽ tăng gần 5% trong năm 2021, vượt qua mức trước khi xảy ra đại dịch, năm 2022 dự báo tiếp tục tăng 3%, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Nhiệm vụ trọng điểm của COP26 là thúc đẩy hoàn thành việc đàm phán chi tiết thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đưa ra cam kết đẩy mạnh và tăng tốc cắt giảm phát thải trước năm 2030, không phát thải vào năm 2050.

Tuy nhiên, khủng hoảng năng lượng đang nhanh chóng hoành hành khắp toàn cầu như dịch COVID-19, nhân dịp khai mạc hội nghị COP26, các nhà lãnh đạo toàn cầu cần đưa ra một lý do thuyết phục để tiếp tục tích cực cắt giảm phát thải ứng phó biến đổi khí hậu, trong khi thị trường năng lượng đang đối diện với một “cơn bão hoàn hảo."

Tiêu hao năng lượng có liên quan mật thiết với phát triển kinh tế toàn cầu và mức độ đảm bảo dân sinh của các nước, sự ổn định của nguồn cung là yếu tố rất quan trọng.

Đối diện với cuộc khủng hoảng hiện nay, các nước có thể lựa chọn phương án tăng cường phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, hoặc đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch.

Những nước giàu thường cho rằng thiếu hụt năng lượng càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của năng lượng sạch. Tuy nhiên, các nước đang phát triển lại muốn bước đi cắt giảm carbon chậm lại, lo ngại giá điện, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu vận tải cao sẽ cản trở sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

Theo Bob McNally, Trưởng bộ phận phân tích của công ty tư vấn chính sách và thị trường năng lượng Rapidan Energy Group, hội nghị lần này sẽ là một cuộc đọ sức về việc xác định các vấn đề ưu tiên giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Một số nước sẽ lấy lý do thiếu hụt năng lượng và giá cả leo thang để tìm cách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, ngược lại các nước khác lại cho rằng tình hình hiện nay là lý do để trì hoãn.

Cho dù như vậy, một số chuyên gia cho rằng lãnh đạo các nước sẽ lựa chọn con đường khó khăn hơn nhưng có giá trị hơn tại hội nghị biến đổi khí hậu lần này.

Charles Moore, Giám đốc chương trình châu Âu của Tổ chức độc lập về khí hậu Ember, cho rằng khủng hoảng năng lượng đã thể hiện rõ ảnh hưởng cực đoan đối với việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này có thể đủ để thúc đẩy một số quốc gia có thái độ do dự áp dụng hành động thực tế, tăng gấp đôi nỗ lực trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Chuyển đổi ít carbon đòi hỏi các nước giàu thực hiện cam kết

Trên con đường chuyển đổi năng lượng xanh, tiền chắc chắn là cân nhắc lớn nhất của các nước trong việc đưa ra mọi quyết định. Mặc dù các nước phát triển đồng ý cung cấp viện trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước đang phát triển, giúp đỡ các nước đi sau giảm thiểu sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhưng những cam kết này luôn không được thực hiện đầy đủ.

Những năm gần đây, Mỹ và châu Âu tích cực thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, từng bước loại bỏ nhiệt điện, tiếp tục đạt được những thành quả trong nỗ lực giảm phát thải.

Tuy nhiên, cùng với việc hàng tỷ người ở các nước đang phát triển thoát nghèo, lượng phát thải của những nước này dự kiến sẽ tăng mạnh trong vòng vài thập niên tới.

Đại dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại và kinh tế toàn cầu sụt giảm, trong đó các nước đang phát triển chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng. Đối diện với thực trạng thiếu hụt nguồn lực tài chính, sự phát triển và việc đảm bảo dân sinh của những nước này cũng bị ảnh hưởng, dường như không có năng lực để đầu tư cho các chương trình, dự án ít carbon trên quy mô lớn.

Theo các chuyên gia khí hậu, biện pháp duy nhất có thể xoay chuyển tình thế chính là thông qua hỗ trợ tài chính bền vững để giúp những nền kinh tế này chuyển hướng thành công sang con đường ít carbon.

Các nước phát triển cho rằng việc để cho họ đảm đương một khối lượng tiền lớn như vậy là hoàn toàn không thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh các nước thu nhập trung bình như Trung Quốc lại không tham gia vào việc cung cấp nguồn lực tài chính.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu và mong muốn ứng phó biến đổi khí hậu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự tính đầu tư năng lượng sạch phải tăng từ mức 1.100 tỷ USD hiện nay lên 3.400 tỷ USD/năm vào trước năm 2030.

Các quan chức phương Tây cho rằng, mặc dù họ đã bắt đầu đàm phán kế hoạch tài trợ sau năm 2025, nhưng số tiền dự kiến vẫn vượt quá mức, chỉ dựa vào ngân sách chính phủ của các nước giàu thì không thể chi trả. Họ đang kỳ vọng các nhà đầu tư tư nhân đảm nhận phần lớn kinh phí.

Trong khi đó, đại biểu của các nước đang phát triển chỉ trích Mỹ và các nước giàu có khác đã không kiềm chế việc đốt nhiên liệu hóa thạch trong gần hai thế kỷ qua, đồng thời cáo buộc thời đại công nghiệp của những nước này là nguyên nhân khiến cho Trái Đất nóng lên.

Hai tuần trước khi diễn ra hội nghị khí hậu, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố 18 thỏa thuận đầu tư năng lượng mới trị giá 9,7 tỷ bảng Anh tại một hội nghị thượng đỉnh đầu tư.

Ngoài ra, Chính phủ Anh cũng hợp tác với chương trình phát triển công nghệ xanh “Chất xúc tác năng lượng đột phá” có quy mô 400 triệu bảng Anh của người đồng sáng lập kiêm cựu Chủ tịch công ty Microsoft, Bill Gate.

Tuy nhiên, chỉ dựa vào nỗ lực của một nước là không đủ. Trong một hội nghị trù bị diễn ra trước thềm COP26, đại diện Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã không thể đạt được thống nhất về các vấn đề cơ bản như trợ cấp giảm carbon, thực hiện không phát thải....

Ngoài những khác biệt trong nội bộ G20, việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình không tham dự COP26 cũng làm gia tăng sự không chắc chắn đối với hội nghị khí hậu.

Một số phân tích cho rằng sự vắng mặt của ông Tập Cận Bình có thể được coi là khúc dạo đầu của việc Trung Quốc tránh đưa ra các mục tiêu khí hậu mới.

Trung Quốc đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài, đồng thời đầu tư mạnh đối với năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nước này lại đang chuyển sang sử dụng nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm môi trường và tăng cường khai thác than đá khi đối diện với tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Động thái này khó tránh khỏi việc tạo ra tiền lệ cho các nước đang phát triển khác, khiến cho hy vọng đạt được thỏa thuận của COP26 trở nên mong manh hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục