Kiên Giang: Cháy lớn làm thiệt hại 300ha rừng

Vụ cháy xảy ra tại Lâm trường Hòn Đất, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang làm thiệt hại khoảng 300ha rừng tràm và bạch đàn.
Tại Lâm trường Hòn Đất (thuộc Công ty Nông lâm nghiệp Kiên Giang) nằm ở xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang vừa xảy ra vụ cháy rừng lớn, làm thiệt hại khoảng 300ha rừng tràm và bạch đàn.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, vụ cháy bùng phát lúc 9 giờ ngày 18/3. Ngay sau khi phát hiện cháy, chủ rừng đã huy động lực lượng và phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để dập lửa.

Tuy rất nỗ lực chữa cháy nhưng do gió mạnh, rừng khô hanh, lớp thực bì dày nên đến 13 giờ cùng ngày các mũi lửa ban đầu vẫn chưa được khống chế mà tiếp tục bùng phát mạnh thêm, lửa lan rộng ra nhiều điểm cháy khác trong khu rừng.

Trước tình hình nghiêm trọng trên, ban lãnh đạo lâm trường đã báo cáo với ban phòng chống cháy rừng tỉnh xin thêm lực lượng hỗ trợ. Tỉnh Kiên Giang huy động 150 người thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy của tỉnh, các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, bộ đội Sư đoàn 4 đóng quân trên địa bàn cùng với 15 phao, 10 thuyền máy nhanh chóng tiếp cận khu rừng đang cháy, khẩn trương triển khai bao vây các đám cháy, cắt đường băng ngăn lửa, dùng thuyền phao dưới các đê bao đưa nước theo các ống dẫn để dập lửa.

Nhờ sự tích cực của các lực lượng, đến 23 giờ ngày 19/3, vụ cháy rừng được khống chế và dập tắt.

Theo thống kê ban đầu, ước tính khoảng 300ha rừng bị cháy; trong đó có 100ha rừng mới trồng một năm tuổi và 65ha rừng từ 3-5 tuổi đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Đây là vụ cháy rừng gây thiệt hại lớn nhất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang từ đầu mùa khô đến nay.

Khu rừng phòng hộ và rừng sản xuất tập trung khá lớn ở huyện Hòn Đất với tổng diện tích 10.000ha, trong đó rừng của lâm trường Hòn Đất là 4.500ha. Vụ cháy chỉ gây thiệt hại một phần của khu rừng tiếp giáp giới tỉnh An Giang.

Sáng 20/3, ban chỉ huy phòng chống cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang tiếp tục giám sát hiện trường, chỉ đạo xử lý triệt để một số điểm còn âm ỉ cháy dưới lớp thực bì; tăng cường lực lượng cùng với chủ rừng để canh giữ và kịp thời tham gia chữa cháy nếu rừng tiếp tục bị cháy./.

Hoàng Vân (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục