Kiên Giang: Góp sức dân chống biến đổi khí hậu

Với việc trồng rừng ngập mặn ven biển, lần đầu tiên người dân Kiên Giang được trực tiếp tham gia vào ngăn chặn sự biến đổi khí hậu.
Thông qua chương trình tập huấn trồng rừng ngập mặn ven biển ở huyện Hòn Đất, lần đầu tiên người dân Kiên Giang được trực tiếp tham gia vào các hoạt động ngăn chặn sự biến đổi khí hậu.

Bà Sharon Brown, Cố vấn trưởng kỹ thuật của Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ) đánh giá chương trình tập huấn là một trong nhiều hoạt động quan trọng của dự án Kết hợp bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang đang được triển khai bằng nguồn kinh phí của GTZ.

Ông Tư Ánh, một người dân sống lâu năm ở huyện Hòn Đất, cho biết từ năm 2000 trở về trước, khu vực phía Tây biển Kiên Giang, trong đó có Hòn Đất, là vùng được đắp bồi thường xuyên và có thảm thực vật ven biển dài tới 500m che chở cho vùng đồng bằng. Nhờ đó, nghề trồng cây ăn trái của gia đình ông phát triển khá thuận lợi, mỗi năm thu về vài chục triệu đồng, có năm lên đến 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi hệ thống đê biển bị vỡ do dòng chảy thay đổi dưới tác động của biến đổi khí hậu, phù sa cùng thảm thực vật hữu ích trên đã bị sóng cuốn trôi. Đất đai bị nhiễm mặn khiến người dân không thể canh tác được. Cũng vì lẽ đó, khi được GTZ mời tham gia làm vườn ươm cây trồng lấn biển, ngăn mặn cùng với 13 hộ dân khác, ông nhận lời ngay.

Được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật GTZ từ khâu chọn hạt giống, cách ươm cây trong điều kiện đất nhiễm mặn, đến cách lập hàng rào bảo vệ cây non bằng cây cọc cừ, toàn bộ cây giống trong vườn ươm nhà ông Ánh gồm bần, dừa nước, mắm, vẹn, đước, tràm, đã phát triển tốt khi được trồng xuống dải đất ven biển.

Tiến sĩ Sharon Brown cho biết, kỹ thuật trồng rừng ngập mặn được GTZ triển khai ở Kiên Giang có nhiều ưu việt hơn so với cách thức trồng rừng ở Việt Nam trước đây và đây cũng là lần đầu tiên kỹ thuật bảo vệ cây trồng lấn biển được triển khai tại Việt Nam. Bà cho biết sau khi triển khai thành công ở Kiên Giang, GTZ sẽ phổ biến kinh nghiệm này cho nhiều địa phương khác.

Theo ông Nguyễn Tấn Phong - cán bộ kỹ thuật của GTZ, phương thức trồng rừng tiên tiến này sẽ giúp người dân có thể tham gia nhiều hơn vào công tác trồng rừng ngập mặn, qua đó góp phần cải thiện môi trường, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người dân./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục