Kiều bào hướng về quê hương, chung tay đẩy lùi dịch bệnh

Đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 50 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và công tác phòng chống dịch ở trong nước.
Kiều bào hướng về quê hương, chung tay đẩy lùi dịch bệnh ảnh 1Ông David Dương, kiều bào Mỹ, Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS) trao tặng 250 máy trợ thở oxy cho Việt Nam. (Ảnh: TTXVN/phát)

Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng với tình yêu, tấm lòng luôn hướng về nguồn cội, bà con kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới cũng vẫn đồng lòng, chung sức với quê hương bằng nhiều hành động thiết thực, đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.

Dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Trong đại dịch, kiều bào luôn hướng về Tổ quốc

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay có khoảng 5,3 triệu người, ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ. Không chỉ phát triển vững mạnh, có vị thế, vai trò và uy tín nhất định tại nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn có những đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ quốc.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300-500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục-đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước.

Hướng về Tổ quốc với những hành động thiết thực, hàng nghìn người Việt Nam ở nước ngoài đã và đang có những đóng góp tích cực đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe người dân trong nước.

Trong đó, tiêu biểu là sự chia sẻ, ủng hộ của kiều bào ở Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Pháp, Thụy Sĩ, Hungary, Canada, Liên bang Nga, Cộng hòa Séc... và một số cá nhân như ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Công ty Metran Co, Ltd tại Nhật Bản; ông Steve Bùi, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta E&C (có trụ sở tại Nhật Bản); Tiến sỹ Phan Bích Thiện, kiều bào Hungary, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary; doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều tại Canada...

[Đại sứ quán Việt Nam tại Canada lan tỏa tinh thần đồng hành chống dịch]

Theo Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước, năm 2020, đồng bào ta ở nhiều nơi đã tích cực quyên góp, ủng hộ gần 80 tỷ đồng, cùng nhiều hàng hoá, vật phẩm cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở trong nước và hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả lũ lụt.

Năm 2021, hưởng ứng lời kêu gọi của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thể hiện tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, cùng hành động có trách nhiệm vì đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước gặp khó khăn khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hiện nay, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục cùng chia sẻ với đồng bào trong nước bằng những hành động thiết thực, có ý nghĩa.

Kiều bào hướng về quê hương, chung tay đẩy lùi dịch bệnh ảnh 2Đại sứ Nguyễn Minh Vũ tiếp nhận số tiền của Hội người Hải Phòng tại CHLB Đức ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, đến nay, kiều bào đã quyên góp hơn 50 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và công tác phòng chống dịch ở trong nước.

Mới đây nhất, lô hàng với hơn 6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế đã theo chuyến bay VN9 (do Vietnam Airlines khai thác từ San Francisco, Mỹ) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài sáng 25/8/2021. Ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD.

Nhật Bản là nước có cộng đồng người Việt khá lớn với gần 449 nghìn người. Trước những diễn biến của tình hình dịch ở trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức phát động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

Ngay tại buổi phát động, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản đã quyên góp ủng hộ gần 105 triệu đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Các doanh nhân và kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã ủng hộ hơn 2 triệu yen (hơn 400 triệu đồng) cho Quỹ.

Tại Đức, từ nhiều tháng qua, các cá nhân, hội đoàn và doanh nghiệp người Việt tại Đức đã và đang tiếp tục có nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở trong nước, với nhiều hình thức như ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, mua các bộ kít xét nghiệm hoặc trang thiết bị, đồ bảo hộ y tế.

Bên cạnh hỗ trợ tiền và hiện vật, nhiều kiều bào đã tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng chống dịch.

Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước luôn trân trọng tình cảm, nghĩa cử, sự ủng hộ và chia sẻ quý báu của đồng bào xa quê hương đối với đất nước.

Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn phía trước. Mong đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục hưởng ứng các chủ trương, chính sách và lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, sát cánh cùng nhân dân trong nước đẩy lùi dịch COVID-19, thực hiện khát vọng phát triển đất nước vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến công tác vận động kiều bào. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhiều kiều bào ta mong muốn trở về Tổ quốc sinh sống và xây dựng đất nước.

Đáp ứng nguyện vọng đó, năm 1959, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã được thành lập, đóng vai trò là cầu nối giữa kiều bào với quê hương, đất nước.

Trong những năm qua, công tác hỗ trợ kiều bào được triển khai toàn diện, qua đó giúp kiều bào ta từng bước nâng cao địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống và hội nhập tích cực vào xã hội sở tại.

Trong các hoạt động đối ngoại hoặc những dịp kiều bào về nước, lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con; đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cộng đồng người Việt ở sở tại.

Ðối với những địa bàn khó khăn hoặc khi kiều bào gặp hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh... Ðảng, Nhà nước luôn kề vai, sát cánh cùng bà con với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau.”

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng và Nhà nước ta vẫn rất quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp bảo hộ công dân, thiết thực hỗ trợ và động viên kiều bào ta tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, tương thân tương ái cùng nhau vượt qua khó khăn của đại dịch.

Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực vận động chính quyền nước sở tại quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng ổn định cuộc sống, giảm thiểu tác động của đại dịch. Đồng thời, thực hiện hơn 540 chuyến bay đưa khoảng 136 nghìn công dân về nước an toàn.

Đại hội Đảng XIII đề ra nhiệm vụ “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài,” hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước.

Mới đây, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận số 12 ngày 12/8/2021 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Một trong những nội dung chính về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới là khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Song song đó là tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, thường trú, đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, khuyến khích và phát huy hiệu quả các sáng kiến, đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời, giải quyết nhu cầu chính đáng của kiều bào ta liên quan đến quốc tịch phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục