Kon Tum: Lợi dụng xây thủy điện để khai thác vàng sa khoáng

Sau 6 năm triển khai, công trình thủy điện Đăk Brót ở Kon Tum trở thành bãi chiến trường của hoạt động khai thác vàng sa khoáng trái phép, gây bức xúc dư luận.
Kon Tum: Lợi dụng xây thủy điện để khai thác vàng sa khoáng ảnh 1Đường vào hầm khai thác vàng trái phép. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2010, tỉnh Kon Tum cho phép Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm được tiến hành xây dựng dự án thủy điện Đăk Brót tại xã Đăk Kroong huyện Đăk Glei. Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành sau 2 năm được cấp phép.

Đến nay, sau 6 năm triển khai dự án, tất cả những gì mà công trình thủy điện trên "làm được" là hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực khai thác vàng sa khoáng.

Công trường khai thác vàng sa khoáng

Dự án Thủy điện Đăk Brót có công suất hơn 2MW, được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép ở trên đỉnh của làng Nú Vai, xã Đăk Kroong. Từ ngày được giao đất làm thủy điện, công trình trở thành đại công trường của đãi vàng sa khoáng trái phép với quy mô cơ giới.

Cụ thể, từ năm 2014, Công ty cổ phần Phúc Kim Tâm ký lại hợp đồng với đối tác tên Thân Văn Tám để đưa máy móc, thiết bị vào thi công. Tuy nhiên, các máy đào, múc, thiết bị đãi, xăng dầu… chỉ dùng để đãi vàng.

Các hoạt động khai thác vàng trên diễn ra thường xuyên, xã, huyện cũng đã nhiều lần phát hiện, lập biên bản và xử phạt hành chính nhưng các đối tượng trên vẫn lén lút khai thác vàng. Việc lợi dụng danh nghĩa thi công thủy điện để khai thác vàng khiến người dân trong vùng bức xúc. Nhiều cuộc họp, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được gửi đến các ngành có liên quan.

Ngày 25/9/2014, khi kiểm tra công trình, đoàn liên ngành tỉnh phát hiện dự án lợi dụng việc khai hoang đất tái định canh để khai thác vàng sa khoáng. Kết luận về vụ việc, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum khẳng định: “Chủ đầu tư không tổ chức khai hoang, xây dựng công trình thủy lợi như đã cam kết mà tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép, khai thác với quy mô cơ giới.”

Trước đó, ngày 11/7/2012, đoàn liên ngành của tỉnh do Sở Công thương tỉnh Kon Tum chủ trì cũng đã phát hiện điểm tái định canh khu vực dự án thủy điện Đăk Brót có hoạt động khai thác vàng sa khoáng….

Gần nhất là ngày 3/3/2016, trên vùng dự án thủy điện Đăk Brót tiếp tục tái diễn tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép. Theo đó, đoàn liên ngành của tỉnh phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei khi vào hiện trường đã phát hiện và lập biên bản vi phạm.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện 20 đối tượng, 2 máy đào, 2 máng xổ đang đãi vàng. Song huyện Đăk Glei chỉ trục xuất các đối tượng và phương tiện ra khỏi địa bàn, không thu giữ các phương tiện vi phạm, chỉ giữ lại các phi dầu… và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (do khai thác vàng trái phép).

Việc xử lý của huyện Đăk Glei khiến các thành viên đoàn kiểm tra liên ngành thấy quá nhẹ. Báo cáo về việc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum khẳng định “Tình hình khai thác vàng tiếp tục tái diễn với quy mô lớn hơn, diện tích khai thác trái phép ước tính khoảng trên 10ha” (báo cáo số 116, ngày 9/3/2016)

Trong khi đó, ông Võ Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum khẳng định công trình trên cũng đã làm tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của huyện, các ngành trong tỉnh trong việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác vàng trái phép trên.

Trước thực trạng trên, ông Bùi Văn Cư-Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết Sở và các ngành cũng đã kiểm tra rất nhiều lần việc khai thác vàng tại dự án thủy điện Đăk Brót nhưng doanh nghiệp không thừa nhận là mình khai thác, họ đổ trách nhiệm cho đơn vị thi công lợi dụng khai thác.


Nhiều kiến nghị nhưng...

Mặc dù đã triển khai được 6 năm nhưng đến nay, dự án thủy điện Đăk Brót gần như chưa triển khai được các hạng mục công trình nào, ngoài căn nhà điều hành cấp 4, cách công trình hơn 10km.

Sau 6 năm, trên công trình là bãi chiến trường của khai thác vàng sa khoáng. Không có bất kỳ một hạng mục nào để chứng tỏ đây là công trình thủy điện. Dự án chỉ tổ chức khai hoang tái định canh. Việc khai hoang được lặp đi, lặp lại nhiều lần nhưng không hoàn thành. Điều đáng nói là lần đầu đoàn liên ngành của huyện Đăk Glei đã có xác nhận dự án khai hoang gần 5ha.

Kết quả khai hoang đã được kiểm tra và ghi nhận tại biên bản ngày 7/2/2011. Nhưng sau gần 10 tháng, liên ngành của huyện Đăk Glei lại tiếp tục có biên bản kiểm tra, bàn giao mặt bằng để thi công khu tái định canh cho dự án này….

Ngoài ra, việc tái định canh cho dân vùng dự án chưa hoàn thành nhưng doanh nghiệp vẫn báo cáo “thành tích” là đã khai hoang được gần 5ha đất tái định canh. Song theo ông Võ Thanh Hải, số liệu trên là không đúng.

Trước các sai phạm có tính liên tục và việc chủ đầu tư chậm thi công dự án, huyện Đăk Glei đã liên tục có nhiều văn bản kiến nghị lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum về việc cần sớm thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần Phúc Kim Tân.

Cụ thể, riêng trong năm 2014, Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Glei đã có liên tiếp 4 báo cáo số 134 ngày 12/6/2014, số 157 ngày 3/7/2014, số 273 ngày 24/9. Trong năm 2016, huyện Đăk Glei tiếp tục có 2 báo cáo số 65 ngày 4/3/2016 và số 82 ngày 21/3/2016 gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh, trong đó huyện Đăk Glei tiếp tục kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư dự án.

“Đối với dự án này, đã họp rất nhiều lần rồi. Tại cuộc họp, chủ đầu tư nói không khai thác vàng. Sau khi đơn vị nhiều lần cam kết sẽ quản lý chặt chẽ không để tình trạng khai thác vàng sa khoáng, đảm bảo trật tự an ninh trong địa bàn, liên ngành lúc đó mới đề xuất gia hạn. Nhưng lần này, trong cuộc họp gần nhất, liên ngành đánh giá tình trạng quản lý của doanh nghiệp quá kém, đầu tư không đúng tiến độ nên liên ngành kiến nghị thu hồi,” ông Bùi Văn Cư khẳng định.

Hy vọng, tỉnh Kon Tum sẽ sớm có quyết định dứt khoát về việc cho phép hay thu hồi dự án thủy điện Đăk Brót có nhiều sai phạm trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục