Kỳ vọng gì về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Trung Đông?

Chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Trung Đông phần lớn được thúc đẩy bởi một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước của Mỹ iên quan đến giá dầu.
Kỳ vọng gì về chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Trung Đông? ảnh 1Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng foreignpolicy.com, chỉ có một vài ngoại lệ hiếm hoi, Trung Đông là nơi mà các ý tưởng của tổng thống Mỹ, đặc biệt là các ý tưởng lớn, sẽ bị dập tắt. Nhận thức rõ ràng về thực tế tàn khốc này, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cố gắng tránh xa khu vực này trong suốt một năm rưỡi qua.

Tuy nhiên, sức hấp dẫn của hydrocacbon từ các nước Arab trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine và giá khí đốt tăng đã buộc Tổng thống Biden phải quay trở lại. Tuy vậy, khi đến khu vực này, ông Biden phải đối mặt với những thách thức lớn - nhu cầu tăng nguồn cung dầu; tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine bị phá vỡ; căng thẳng giữa Iran và Israel; và một cuộc gặp không thoải mái với Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia - quốc gia bị Tổng thống Biden coi là đất nước “ngoài lề xã hội.”

Các chuyến thăm của tổng thống Mỹ đến Trung Đông diễn ra dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Chuyến đi này của ông Biden đến khu vực - ban đầu được khởi động bởi lời mời của cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett - phần lớn được thúc đẩy bởi một cuộc khủng hoảng chính trị trong nước của Mỹ liên quan đến giá dầu.

Theo một thỏa thuận được đàm phán vào năm 2020, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+), bao gồm Nga và Saudi Arabia, đã hướng tới việc cắt giảm sản lượng để ngăn chặn sự sụt giảm giá dầu do đại dịch COVID-19. Khi giá tăng trở lại, các nhà sản xuất OPEC+ bắt đầu nới lỏng các đợt cắt giảm sản lượng này.

Tuy nhiên, làn sóng cắt giảm cung ban đầu đã vấp phải nhu cầu gia tăng trong lúc cuộc chiến tại Ukraine làm gián đoạn nguồn cung. Giá năng lượng tăng vọt, dẫn đến lạm phát ở Mỹ và ảnh hưởng tới vị thế chính trị trong nước của Biden trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, đã thúc đẩy nhu cầu cấp bách phải xích lại gần đất nước “ngoài lề xã hội” này.

Điểm dừng tại Israel có lẽ là chặng dễ dàng nhất trong chuyến đi của Tổng thống Biden, mặc dù nó chắc chắn vẫn rất phức tạp. Ông Biden sẽ không lặp lại sai lầm của “vị sếp” cũ, cựu Tổng thống Barack Obama, với việc không đến thăm Israel sớm trong nhiệm kỳ của mình - hoặc tệ hơn là tiến hành công du đến khu vực mà không dừng lại ở Israel.

“Chính phủ thay đổi” do ông Bennett lãnh đạo mà ông Biden dường như đã đặt cược rất lớn giờ đã sụp đổ. Ông Yair Lapid, một người theo quan điểm trung dung ôn hòa, hiện là Thủ tướng lâm thời. Các cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức vào ngày 1/11 tới, với việc ông Netanyahu đang nỗ lực trở lại nắm quyền.

[Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ?]

Về lý thuyết, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ sẽ giúp củng cố địa vị Thủ tướng lâm thời của Lapid, điều mà ông cần để chống lại Netanyahu, vốn là thủ tướng cầm quyền lâu nhất trong lịch sử của Israel. Ông Biden gần như chắc chắn sẽ nói về mối liên hệ không thể phá vỡ của Mỹ với Israel và cam kết sâu sắc của họ đối với an ninh của Israel.

Rất có thể Thủ tướng Lapid sẽ sử dụng cơ hội này để thúc đẩy yêu cầu của Israel về việc tài trợ cho hệ thống phòng không bằng laser cũng như máy bay và vũ khí có thể cho phép Israel tự tấn công Iran. Nếu ông Lapid đi theo con đường này, rất có thể ông Biden sẽ trì hoãn đưa ra quyết định.

Cả hai người tiền nhiệm gần đây của ông đều từ chối các yêu cầu về máy bay ném bom và tàu phá boong-ke, vì sợ rằng Israel sẽ bắt đầu một cuộc chiến mà họ không thể kết thúc và do đó lôi kéo Mỹ vào một cuộc chiến mà họ không muốn.

Theo truyền thống, ônv Biden sẽ gặp ông Netanyahu với tư cách là người đứng đầu phe đối lập Israel. Họ đã biết nhau trong nhiều thập kỷ, nhưng cuộc nói chuyện vui vẻ sẽ che đậy sự thật rằng ông Biden không mong muốn sự trở lại của ông Netanyahu, người đã làm bẽ mặt ông khi ông đến thăm Israel trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama.

Và ông Netanyahu, về phần mình, rõ ràng hy vọng ông Biden sẽ được thay thế bởi ông Trump. Tuy nhiên, cuộc gặp chỉ mang tính xã giao và nó sẽ củng cố sự thật rằng ông Biden không dành “ưu đãi” cho những người mà ông không thích.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Mahmoud Abbas của Chính quyền Palestine (PA) cũng là sự kiện bắt buộc. Ông Biden sẽ giả vờ rằng chính quyền của ông thực sự quan tâm đến hành động nào đó để giải quyết vấn đề Palestine và sẽ nói về tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin cũng như ủng hộ giải pháp hai nhà nước.

Abbas sẽ lịch sự giả vờ rằng ông hy vọng Washington sẽ ủng hộ việc nối lại một tiến trình chính trị nhằm giải quyết nguyện vọng của dân tộc Palestine về một quốc gia độc lập với các ranh giới đã được thống nhất và thủ đô ở Đông Jerusalem.

Ông sẽ thúc ép Tổng thống Mỹ tiến hành các cuộc dàn xếp và đặt câu hỏi tại sao ông đang chậm trễ trong việc mở lại lãnh sự quán Mỹ ở Jerusalem.

Iran là một trong những vấn đề thực sự chiến lược sẽ đe dọa các cuộc đàm phán của ông Biden ở cả Israel và Saudi Arabia. Saudi Arabia - và có lẽ cả Israel - đều mong muốn chứng kiến Mỹ “nghiền nát” Iran.

Nếu không đạt được điều đó, ông Riyadh có khả năng tin rằng chính quyền Đảng Cộng hòa tiếp theo sẽ hành động như cựu Tổng thống Trump đã làm và hủy bỏ một thỏa thuận hạt nhân nếu nó được tái lập dưới thời Tổng thống Biden.

Trong khi đó, Saudi Arabia đang tự bảo vệ mình. Giống như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), họ đã tìm đến Iran để ổn định quan hệ và ngăn chặn các vụ phóng tên lửa của Houthi từ Yemen.

Tuy nhiên, Saudi Arabia sẽ đặt ra những câu hỏi rõ ràng về việc Washington sẽ làm gì nếu Iran tấn công Saudi Arabia. Mặc dù vậy, ông Biden nên thận trọng về việc đưa ra bất kỳ cam kết an ninh ràng buộc nào với Saudi Arabia mà có thể lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến với Iran.

Trên thực tế, một trong những điểm sáng của chuyến đi sẽ là sự liên kết và hợp tác ngày càng tăng giữa Israel và các quốc gia vùng Vịnh quan trọng, đặc biệt là UAE, về các vấn đề từ du lịch đến y tế cộng đồng - và đặc biệt là về an ninh.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz đã ám chỉ nhiều tháng trước rằng hiệp định hòa bình Abraham mà Israel ký với UAE bao gồm một thỏa thuận an ninh đặc biệt, rõ ràng liên quan đến việc tích hợp hệ thống phòng không của Israel và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC).

Washington đã thúc đẩy một hệ thống phòng không tích hợp GCC trong 40 năm qua, nhưng các quốc gia thành viên chưa bao giờ nhất trí về vấn đề này.

Về phần mình, ông Biden quan tâm sâu sắc đến Israel và hiểu rằng ông cần phải chứng tỏ bất chấp những thách thức lớn hơn ở châu Á, châu Âu và (tất nhiên) ở quê nhà, Trung Đông vẫn là mối quan tâm của ông. Ông sẽ thừa nhận rằng mục đích của chuyến công du lần này vượt ra ngoài khuôn khổ vấn đề dầu mỏ và chính trị trong nước.

Đồng thời, Israel và Saudi Arabia sẽ tận dụng những gì họ có thể nhận được từ chính quyền ông Biden, đặc biệt là về an ninh, ngay cả khi họ tiếp tục lo lắng về việc Mỹ rút lui. Trong trường hợp của hai ông Netanyahu và Mohammed bin Salman, họ sẽ tự hành động cứu lấy mình với hy vọng nhận được thỏa thuận tốt hơn từ chính quyền tiếp theo./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục