Kỳ vọng từ Thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật

Nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI cho rằng kiến thức lý thuyết vững chắc của Giáo sư Kazuo Ueda có thể giúp làm sáng tỏ và tinh chỉnh một số điểm trong chính sách tiền tệ của BoJ.
Kỳ vọng từ Thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật ảnh 1Thống đốc BoJ Kazuo Ueda. (Nguồn: Getty Images)

Việc Chính phủ Nhật Bản đề cử Giáo sư Kazuo Ueda, nhà kinh tế học và cựu Ủy viên Hội đồng Chính sách Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) làm Thống đốc BoJ tiếp theo đã gây bất ngờ cho giới quan sát.

Nguyên nhân ông Ueda không thực sự được giới truyền thông và các nhà quan sát thị trường coi là một ứng cử viên tiềm năng chủ yếu là do các thống đốc BoJ theo truyền thống thường được đảm nhận bởi một quan chức lâu năm của Bộ Tài chính hoặc ngân hàng trung ương.

Ngoài ông Makoto Usami, người từng làm việc tại một ngân hàng tư nhân và trở thành Thống đốc BoJ vào năm 1964, tất cả các thống đốc BoJ bao gồm cả thống đốc đương nhiệm Haruhiko Kuroda đều bắt đầu sự nghiệp của mình tại Bộ Tài chính hoặc BoJ, và làm việc ở đó trong nhiều thập kỷ.

Trong khi đó, ông Ueda, 71 tuổi, đã từng giữ chức Ủy viên Hội đồng Chính sách BoJ từ năm 1998 đến 2005. Ông cũng từng giảng dạy tại Khoa Kinh tế của Đại học Tokyo với chức danh Giáo sư. Nếu được bổ nhiệm, ông sẽ là Thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật trong thời hậu chiến ở Nhật Bản.

Một số nhà kinh tế cho biết, do vị thống đốc tiếp theo sẽ chịu áp lực phải tháo gỡ và xem xét lại chính sách tiền tệ siêu lỏng được thúc đẩy dưới thời Thống đốc Kuroda, nên một người có lập trường trung lập như ông Ueda sẽ phù hợp với vị trí này.

Masaaki Kanno, nhà kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính Sony Financial Group, cho biết ông Ueda là một nhà kinh tế học và cũng từng là thành viên của ban chính sách của BoJ. Ông ấy là người vừa có lý thuyết vừa có kinh nghiệm thực tế, và cũng không thiên về một lập trường chính sách tiền tệ cụ thể nào, do đó ông ấy sẽ là một sự lựa chọn phù hợp với tình hình hiện tại.

[Tân Thống đốc BoJ trước nhiệm vụ dừng các chính sách Abenomics]

Tsuyoshi Ueno, nhà kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu NLI, thì cho rằng kiến thức lý thuyết vững chắc của ông Ueda có thể giúp làm sáng tỏ và tinh chỉnh một số điểm trong chính sách tiền tệ của BoJ. Đồng thời ông Ueda cũng là một nhà kinh tế nổi tiếng có mối liên hệ với các tổ chức tài chính quốc tế.

Khi ông Ueda là thành viên Hội đồng Chính sách BoJ (1998-2005), đây cũng là thời điểm Nhật Bản đang phải vật lộn với giảm phát. BoJ đã đưa ra nhiều chính sách táo bạo như đưa lãi suất về 0% vào năm 1999 và nới lỏng định lượng vào năm 2001. Khi đó, ông đã ủng hộ lý thuyết nền tảng đằng sau các chính sách này.

Kỳ vọng từ Thống đốc BoJ đầu tiên xuất thân từ giới học thuật ảnh 2Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tại thủ đô Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có ý kiến cho rằng người đứng đầu BoJ nên quen thuộc với quá trình hoạch định chính sách cũng như nền tảng ra quyết định nội bộ của BoJ. Đây sẽ là vai trò của ông Shinichi Uchida, hiện là Giám đốc Điều hành BoJ.

Ông Uchida là ứng cử viên cho một trong những vị trí phó thống đốc mới và ông cũng là một trong những quan chức chủ chốt chịu trách nhiệm thiết kế khuôn khổ chính sách tiền tệ của ông Kuroda.

Cùng với ông Uchida, Chính phủ Nhật Bản đã đề cử Ryozo Himino, cựu Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), làm ứng cử viên phó thống đốc. Các nhà kinh tế cho biết ông Himino có mối liên hệ với các tổ chức tài chính toàn cầu và thông thạo các quy định và hệ thống tài chính quốc tế. Giới quan sát kỳ vọng ba vị trí trên sẽ đại diện cho một đội ngũ lãnh đạo BoJ cân bằng, bởi mỗi người đều có thế mạnh riêng của mình để bổ sung cho những người khác.

Theo dự kiến, các ứng cử viên Thống đốc và Phó Thống đốc BoJ sẽ phải tham gia các phiên điều trần trước Hạ viện và Thượng viện vào cuối tháng này. Họ sẽ được Chính phủ chính thức bổ nhiệm sau khi được cả hai viện của Quốc hội phê chuẩn. Nếu được phê chuẩn, họ sẽ có nhiệm kỳ 5 năm.

Dù thế nào thì người đứng đầu BoJ sắp tới sẽ đứng trước con đường đầy chông gai, khi họ có thể sẽ phải cân nhắc việc xoay trục dần dần khỏi chính sách lãi suất thấp và tăng lạm phát cao hơn, và điều này cần được thực hiện một cách suôn sẻ nhất có thể.

Thị trường vốn quốc tế rất quan tâm đến chính sách tiền tệ của BoJ ở thời điểm này là sau khi vào tháng 12/2022, BoJ bất ngờ tăng biên độ dao động đối với lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ 25 điểm cơ bản lên 50 điểm cơ bản xung quanh lợi suất mục tiêu 0%.

Sự thay đổi này được thị trường hiểu là điềm báo trước cho những thay đổi trong chính sách tiền lệ "siêu lỏng" của Nhật Bản. Trước đây, chính sách nới lỏng định lượng dài hạn của Nhật Bản đã biến đồng yen trở thành đồng tiền trú ẩn an toàn quốc tế.

Nếu chính sách tiền tệ của Nhật Bản thay đổi thì chắc chắn sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn quốc tế. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến việc liệu Nhật Bản có thúc đẩy sự chuyển hướng chính sách tiền tệ hay không.

Ông Hideo Kumano, nhà kinh tế trưởng tại công ty nghiên cứu Dai-Ichi Life Research, cho rằng một trong những điểm mạnh từ nền tảng học thuật của Giáo sư Ueda là ông rất đề cao sự logic và vì vậy ông ấy có thể sẽ truyền đạt chính xác ý định của BoJ tới thị trường.

Ông Ueda đã phát biểu trước các phóng viên rằng: “Tôi là một học giả trong một thời gian dài, vì vậy tôi tin rằng điều quan trọng là phải đưa ra quyết định một cách hợp lý và đưa ra lời giải thích rõ ràng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục