Lần đầu tiên các nhà khoa học thu âm được tiếng lốc cát trên Sao Hỏa

Nhà khoa học Sylvestre Maurice cho biết việc phân tích bụi trên Sao Hỏa sẽ giúp khám phá ra các tương tác giữa mặt đất với khí quyển cực mỏng trên hành tinh này.
Lần đầu tiên các nhà khoa học thu âm được tiếng lốc cát trên Sao Hỏa ảnh 1Một cơn lốc cát trên Sao Hỏa. (Nguồn: NASA)

Theo nghiên cứu công bố ngày 13/12, các nhà khoa học đã lần đầu tiên thu âm được tiếng lốc cát trên Sao Hỏa, khi tâm của cơn lốc cát này quét qua xe tự hành Perseverance của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).

Đoạn ghi âm này được kỳ vọng sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thời tiết và khí hậu trên Sao Hỏa, bao gồm cách bề mặt khô cằn và bầu khí quyển mỏng có thể từng hỗ trợ sự sống. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Nature Communications.

Lốc cát là hiện tượng phổ biến trên Sao Hỏa, bao gồm những cơn lốc ngắn chứa bụi, hình thành khi có sự chênh lệch lớn nhiệt độ giữa mặt đất và không khí.

Những cơn lốc cát phổ biến tại miệng hố Jezero, khu vực mà xe tự hành Perseverance hoạt động từ tháng 2/2021.

[Bức ảnh đầu tiên của James Webb về hình ảnh và quang phổ Sao Hỏa]

Đến ngày 27/9/2021, một cơn lốc cát có độ cao khoảng 118m, rộng 25m đã trực tiếp quét qua xe tự hành. Đây cũng là lần đầu tiên micro trên xe ghi lại được âm thanh từ lốc cát.

Âm thanh từ cơn lốc sẽ giúp các nhà khoa học ước đếm được lượng vật thể, từ đó nghiên cứu được cấu trúc và xu hướng hoạt động của cơn lốc.

Kết quả này cũng sẽ giúp giải đáp bí ẩn đang làm đau đầu các nhà khoa học, khi tại một số khu vực của Sao Hỏa, các cơn lốc hút đầy bụi, làm sạch các tấm pin năng lượng Mặt Trời của xe tự hành trong quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, ở những nơi khác, các cơn lốc lại di chuyển mà không cần hút thêm nhiều bụi, giống như những luồng không khí.

Việc lý giải hiện tượng này sẽ giúp các nhà khoa học xây dựng được mô hình các lốc bụi, từ đó dự đoán được khi nào cơn lốc tiếp theo sẽ xuất hiện, thậm chí là những cơn bão cát lớn di chuyển trên khắp Sao Hỏa.

Nhà khoa học Sylvestre Maurice, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết việc phân tích bụi trên Sao Hỏa sẽ giúp khám phá ra các tương tác giữa mặt đất với khí quyển cực mỏng trên hành tinh này.

Cách đây hàng tỷ năm, khí quyển Sao Hỏa dày hơn rất nhiều, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của nước lỏng, nhân tố quan trọng giúp duy trì sự sống.

Theo ông Maurice, Sao Hỏa đã trải qua sự thay đổi mạnh về khí hậu từ một hành tinh nóng ẩm, thành một nơi hoàn toàn khô cằn và lạnh. Việc nghiên cứu khí hậu Sao Hỏa hiện nay là cơ sở để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống từ cách đây hàng tỷ năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục