Tết Nguyên đán 2021 đang tới gần, nhiều hộ dân sống tại Làng nghề bánh nhãn Hồi Xuân, huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang gia tăng sản xuất để có đủ hàng bán cho người tiêu dùng.
Bánh nhãn Hồi Xuân có màu vàng nhẹ, thơm ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được nhiều người ưa chuộng. Nghề làm bánh nhãn đang giúp nhiều người dân có việc làm ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng cao.
Bánh nhãn Hồi Xuân đã có từ lâu. Vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, người dân huyện miền núi Quan Hóa đã làm ra loại bánh nhỏ nhỏ, xinh xinh giống hạt nhãn và được gọi tên là bánh nhãn để sử dụng mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Để làm ra sản phẩm bánh nhãn này, người làm phải thật kiên trì bởi những công đoạn cho ra thành phẩm hoàn toàn bằng hình thức thủ công, chỉ có khâu nghiền bột được làm bằng máy. Hơn nữa việc chọn nguyên liệu phải thật kỹ lưỡng thì bánh mới ngon và giữ được hương vị đặc trưng.
Khi bắt đầu làm bánh, người làm cần chọn gạo nếp trắng, trứng gà và trộn vào nhau, sau đó nặn thành những hạt nhỏ giống hạt nhãn rồi cho vào từng chiếc mâm nhôm ăn cơm, sau đó cho vào chảo dầu nóng để chiên. Khi chiên phải đảo đều liên tục tránh bánh bị cháy. Sau khi bánh chín vàng đều, phải vớt bánh ra rổ có giấy thấm dầu và để thật nguội rồi mới đóng gói, bảo quản.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất bánh nhãn truyền thống thị trấn Hồi Xuân, cho hay hiện trên địa bàn đang có nhiều hộ gia đình ổn định kinh tế nhờ làm bánh nhãn Hồi Xuân. Gia đình bà sản xuất và buôn bán bánh nhãn quanh năm. Đặc biệt, trong dịp tết Nguyên đán 2021, gia đình bà sản xuất khoảng 2,2 tấn để gửi đi bán tại các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh.
[Thiết kế các làng nghề truyền thống Hà Nội thành không gian sáng tạo]
Hiện thu nhập của gia đình bà Hương từ làm bánh nhãn Hồi Xuân đạt khoảng từ 70-100 triệu/năm, tạo việc làm cho 7 công nhân với thu nhập là 5-7 triệu/người/tháng.
Ngoài ra, sản phẩm bánh nhãn của gia đình bà và các hộ trong tổ hợp tác đã được cấp có thẩm quyền công nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Là người luôn đi đầu trong việc sản xuất bánh nhãn Hồi Xuân tại địa phương, bà Nguyễn Thị Oanh, trú tại thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa cho biết bà là viên chức đã nghỉ hưu, hằng năm bà sản xuất bánh nhãn để kiếm thêm thu nhập.
Trong dịp Tết năm nay, bà Oanh làm gấp 2 lần so với năm ngoái. Hiện thu nhập bình quân của gia đình bà Oanh từ làm bánh nhãn đạt 70 triệu/năm.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa, trên địa bàn có khoảng 70-100 hộ dân làm bánh nhãn Hồi Xuân, tạo việc làm cho 100 lao động với mức thu nhập trên 5-6 triệu/tháng. Sản phẩm đã được cung ứng ra thị trường trong tỉnh Thanh Hóa và các địa phương khác như Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh...
Huyện Quan Hóa đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất bánh nhãn truyền thống thị trấn Hồi Xuân nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh loại bánh này và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quan Hóa, cho biết sản phẩm bánh nhãn thị trấn Hồi Xuân đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa sẽ thực hiện chủ trương phát triển lớn mạnh hơn các tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh bánh nhãn để tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cũng theo ông Hùng, cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2021, huyện Quan Hóa đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành, cũng như đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kẹo nhãn, giúp người tiêu dùng được sử dụng nguồn hàng an toàn, đảm bảo sức khỏe để đón Tết, vui Xuân./.