Lào Cai đẩy mạnh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các huyện nghèo, đặc biệt cho 10 xã đặc biệt khó khăn...

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong phong trào xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tỉnh Lào Cai được đánh giá là địa phương đi đầu cả nước khi chủ động triển khai, sớm ban hành các cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Nhờ đó, mặc dù là năm 2022 là năm đầu được giao vốn và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu tại Lào Cai đều đạt và vượt kế hoạch giao.

Tỷ lệ giảm nghèo vượt gần 30%

Giai đoạn 2021-2025, Lào Cai triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt trên 9.471 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Lào Cai dự kiến bố trí 1.842 tỷ đồng để thực hiện các chương trình trong giai đoạn 2021-2025.

Riêng năm 2022, tổng nguồn lực thực hiện các chương trình này trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 1.710 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, việc giải ngân nguồn vốn ngân sách Nhà nước tính đến ngày 31/1/2023 đạt cao; trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân được trên 934 tỷ đồng/1.162 tỷ đồng, bằng 80,4% kế hoạch; vốn đầu tư giải ngân đạt trên 92,7% vốn được giao, xếp cao thứ 5 trong tổng số 63 tỉnh thành cả nước.

Kết quả trên có được là do trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Lào Cai có nhiều sáng tạo và cơ chế đặc thù. Điển hình trong xây dựng giao thông nông thôn với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm.”

[Lào Cai đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 ở mức cao nhất]

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Xây dựng Lào Cai Trần Xuân Hiện, Lào Cai là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt mạnh, dễ xảy ra sụt trượt trong mùa mưa lũ, các tuyến đường rất đa dạng về địa chất thủy văn nên việc đầu tư xây dựng cần xem xét cho phù hợp với từng tuyến đường.

Để triển khai một cách thống nhất, ngay từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, ngành giao thông Xây dựng đã tham mưu ban hành các nghị quyết, quyết định, văn bản hướng dẫn phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, các cơ chế chính sách quy định rõ về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đường giao thông nông thôn; đặc biệt là nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển đường giao thông nông thôn.

Các chính sách quy định rõ trách nhiệm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, nhân dân chủ động bàn bạc đề xuất đầu tư theo thứ tự ưu tiên; vận động các hộ dân hiến đất để làm đường và tham gia thi công những công việc đơn giản như đào đất mở nền đường, khai thác vật liệu cấp phối, huy động lực lượng nhân công để đổ bêtông ximăng…

Nhà nước đầu tư những việc mà nhân dân không thể làm hoặc rất khó làm như cung cấp và vận chuyển xi măng đến chân công trình để làm mặt đường bê tông xi măng và làm cầu cống, hỗ trợ máy lu, phá đá nổ mìn…; đồng thời, hỗ trợ tiền nhân công cho các xã vùng đặc biệt khó khăn để việc triển khai được dễ dàng.

Nhờ đó, trong năm 2022, Lào Cai đã thực hiện đầu tư và khởi công 129 công trình đường liên xã dài trên 232km; 376 công trình đường giao thông nông thôn dài gần 585km, 10 cầu, ngầm các loại. Toàn tỉnh đã làm được 477,51km đường giao thông các loại. Các địa phương duy tu, bảo dưỡng 718,3km đường đến trung tâm xã; 651,5km đường trục thôn, 52 cầu treo/1.765m...

Lào Cai đẩy mạnh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Thành phố Lào Cai ngày nay. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, Lào Cai tiếp tục huy động nguồn lực dự kiến thực hiện nâng cấp khoảng 1.830km đường giao thông nông thôn.

Từ việc giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư các chương tình mục tiêu quốc gia, năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn Lào Cai đạt 5,82%/4,5%, bằng 129,33 % kế hoạch giao. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 7,7%/6%, bằng 128% kế hoạch tỉnh và Trung ương giao; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 7%, vượt 1 điểm % so kế hoạch Trung ương giao. Riêng tỷ lệ hộ nghèo tại 10 xã nghèo nhất Lào Cai (hộ nghèo chiếm trên 40%) giảm 11%.

Tập trung đầu tư cho các xã nghèo

Ngày 9/2, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2023 đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai; Phát triển kinh tế-xã hội tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong nhấn mạnh trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cần tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các huyện nghèo, đặc biệt cho 10 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; ưu tiên tập trung vào hạ tầng giao thông vì đây là huyết mạch cho phát triển kinh tế.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Lào Cai đặt mục tiêu năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều khoảng 5,2%. Tỷ lệ xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bêtông đạt 100%.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lào Cai phấn đấu có thêm 10 xã được công đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 72/127 xã.

Lào Cai đẩy mạnh giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Thi công cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 156. (Ảnh: Hồng Ninh/TTXVN)

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2023 đạt trên 4%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm từ 6,9%/năm trở lên. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) toàn tỉnh đến năm 2023 đạt 103 triệu đồng/năm; trong đó thu nhập bình quân đầu người của các huyện nghèo đạt trên 36,5 triệu đồng/năm; phấn đấu giảm trên 10.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo so với năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia.

Để đạt được các mục tiêu trên, Lào Cai xác định tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm.

Theo đó, Lào Cai xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn; không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 do nguyên nhân chủ quan. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết kế hoạch vốn được giao.

Lào Cai tập trung chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho các xã, thôn phấn đấu thoát diện đặc biệt khó khăn. Các đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới tiếp tục thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí; rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện xã nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tại hội nghị, phát động thi đua thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường yêu cầu các đơn vị, địa phương đặc biệt chú trọng đẩy mạnh tổ chức triển khai phong trào thi đua “Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giai đoạn 2022-2025” nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp an sinh sang phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh đây là phong trào thi đua nòng cốt trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và là nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng và hiệu quả bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục