Lên phương án xây hồ lớn trữ nước khi sông Sài Gòn bị xâm nhập mặn

Việc cấp bách xây hồ quy mô lớn sẽ đảm bảo cung cấp nước cho nhà máy Tân Hiệp hoạt động liên tục trong thời gian 1-3 ngày khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm trên sông Sài Gòn.
Lên phương án xây hồ lớn trữ nước khi sông Sài Gòn bị xâm nhập mặn ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Thành phố Hồ Chí Minh hiện vẫn chưa đủ nguồn nước thô và các công trình xử lý nước dự phòng. Do vậy, việc cấp bách xây hồ quy mô lớn sẽ đảm bảo cung cấp nước cho nhà máy Tân Hiệp hoạt động liên tục trong thời gian 1-3 ngày khi xảy ra tình trạng xâm nhập mặn và ô nhiễm trên sông Sài Gòn.

Phương án cấp bách đưa ra là xây dựng hồ trữ nước đa năng nhằm phục vụ cho việc sản xuất, cung ứng nước sạch.

Tại cuộc hội thảo ngày 8/4 về “Hồ trữ nước đảm bảo cung cấp nước an toàn cho Thành phố Hồ Chí Minh” do Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải thành phố phối hợp cùng Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Sawaco cho biết đã đề xuất Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây hồ dự trữ nước thô có dung tích 1,35 triệu m3 với diện tích 23 ha tại huyện Củ Chi, ngay trong giai đoạn 2016-2017. Cũng theo Sawaco, giải pháp này đã được áp dụng hiệu quả ở một số nước trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản...

Tại hội thảo, ý kiến các nhà khoa học cho biết không chỉ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang phải đối mặt với hạn và xâm nhập mặn gay gắt mà ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh, các trạm cấp nước sinh hoạt trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đã nhiều ngày qua đã phải ngừng bơm nước thô một số giờ trong ngày do độ mặn vượt mức cho phép. Điều này đã cho thấy nguy cơ thiếu nước sinh hoạt tại thành phố là rất rõ ràng.

Về giải pháp xây hồ trữ nước thô, lãnh đạo Sawaco cho biết những nguồn nước được xác định cung cấp cho thành phố gồm: sông Đồng Nai điều tiết bởi hồ Trị An là 2,5 triệu m3/ngày, sông Sài Gòn điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa: 1 triệu m3/ngày, Kênh Đông, điều tiết bởi hồ Dầu Tiếng và Phước Hòa: 0,5 triệu m3/ngày.

Theo ý kiến các nhà khoa học, các giải pháp trước mắt là giải quyết ngay tình trạng các nhà máy nước phải ngừng sản xuất trong 1 số giờ trong ngày khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép. Còn về lâu dài, chức năng của hồ chứa nước thô là để cung cấp nước trong trường hợp việc lấy nước từ các sông bị gián đoạn do chất lượng nước thấp, đặc biệt là những thông số không chịu tác động trong quá trình lọc và xử lý.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết việc đa dạng hóa nguồn cấp, trữ nước trở thành vấn đề quan trọng, góp phần bảo đảm cho đời sống của người dân. Việc các chuyên gia đưa ra những giải pháp để đảm bảo cấp nước sạch cho thành phố là vấn đề cần thiết, trong đó, cần phải hướng đến giải quyết những vấn đề dài hạn, rồi mới tới trung hay ngắn hạn.

“Về hướng lâu dài, có thể sử dụng hệ thống các kênh chứa nước, vừa mang tính chất sinh thái, vừa tạo thành các vành đai xanh và thảm thực vật xung quanh, hướng tới góp phần giải quyết biến đổi khí hậu đang nóng lên từng ngày,” ông Tiến nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục