​LHQ bổ nhiệm người đứng đầu ủy ban điều tra vũ khí hóa học Syria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã bổ nhiệm bà Virginia Gamba, người Argentina, làm người đứng đầu ủy ban, nhằm xác định các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
​LHQ bổ nhiệm người đứng đầu ủy ban điều tra vũ khí hóa học Syria ảnh 1(Nguồn: AP)

Ngày 15/9, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bổ nhiệm bà Virginia Gamba, người Argentina, làm người đứng đầu ủy ban gồm 3 thành viên có nhiệm vụ chỉ đạo Cơ chế Điều ra Hỗn hợp (JIM) nhằm xác định các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Thông cáo báo chí của Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết bà Virginia Gamba là người đã có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động, cũng như lãnh đạo trong lĩnh vực giải giáp vũ khí và hiện là Phó Cao ủy phụ trách các vấn đề giải giáp.

Bà Gamba cũng đã có những đóng góp quan trọng cho hai sứ mệnh liên quan tới vũ khí hóa học tại Syria trước đây.

JIM là cơ chế điều tra chung giữa Liên hợp quốc và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua theo nghị quyết số 2235, theo đó sẽ thực hiện điều tra các "cá nhân, thực thể, các nhóm hay các chính phủ có liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học" tại Syria.

Trong thông báo cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tiếp tục kêu gọi chính phủ và các bên tại Syria hợp tác đầy đủ với JIM.

Nhiều khả năng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng sẽ bổ nhiệm ông Adrian Neritani, người Albani, và ông Eberhard Schanze, người Đức, vào ủy ban 3 thành viên của JIM. Theo kế hoạch, ông Neritani sẽ phụ trách về chính trị, còn ông Schanze phụ trách lĩnh vực điều tra.

Trước đó, Hội đồng Bảo an đã thông qua nghị quyết thành lập ủy ban điều tra đặc biệt trên nhằm xác định phe nhóm nào đã tiến hành các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria.

Các thành viên của ủy ban này sẽ được phép tiếp cận các địa điểm tại Syria, tiến hành các cuộc điều tra và tiếp nhận thông tin từ các bên tham chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Theo dự kiến, Ủy ban sẽ đệ trình báo cáo điều tra đầu tiên lên Liên hợp quốc trong 90 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục