Liên minh châu Âu chưa đạt được đồng thuận trong hành động về khí hậu

Hồi tháng 12/2020, 27 quốc gia Liên minh châu Âu đã đồng ý cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, nhưng không có đường hướng cụ thể.
Liên minh châu Âu chưa đạt được đồng thuận trong hành động về khí hậu ảnh 1Theo một nhà ngoại giao châu Âu, trong vấn đề giảm lượng khí thải, nếu nước này giảm nỗ lực của mình thì nước khác sẽ phải nỗ lực lớn hơn. (Nguồn: thepigsite.com)

Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 24-25/5 ở Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bất đồng sâu sắc đối với kế hoạch hành động về khí hậu trong tương lai mà Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất vào giữa tháng Bảy nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Hồi tháng 12/2020, 27 quốc gia EU đã đồng ý cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với năm 1990, nhưng không có đường hướng cụ thể.

Trọng tâm của hội nghị là mở rộng thị trường quyền phát thải carbon vốn dành riêng cho lĩnh vực năng lượng và ngành công nghiệp ra các lĩnh vực giao thông, xây dựng, nông nghiệp, quản lý chất thải.

[WB: Các nước quyên góp được 53 tỷ USD qua đánh thuế thải khí CO2]

Theo một nhà ngoại giao châu Âu, trong vấn đề giảm lượng khí thải, nếu nước này giảm nỗ lực của mình thì nước khác sẽ phải nỗ lực lớn hơn.

Do đó, cuộc thảo luận xoay quanh các tiêu chí phân phối, với vấn đề được đặt ra là liệu có nên chỉ dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khi các nước phát triển nhất đã cắt giảm mạnh lượng khí thải và các nước kém phát triển hơn lại phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các lĩnh vực gây ô nhiễm.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh mỗi quốc gia thành viên phải làm phần việc của mình, trong khi Ba Lan, Romania và Bulgaria lo ngại về chi phí kinh tế và xã hội của các yêu cầu mới về khí hậu.

Ngoài ra, theo một nhà ngoại giao, việc tích hợp vận tải đường bộ, vận tải biển hoặc xây dựng vào thị trường carbon như mong muốn của EC là một vấn đề rất nhạy cảm và không thể có thỏa thuận bằng văn bản.

Về vấn đề này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định rằng các nguyên tắc sẽ không thay đổi nhưng khi các mục tiêu được đặt ra cao hơn thì phải đảm bảo rằng không quốc gia nào bị thiệt.

Theo bà, nếu định giá khí thải là giải pháp công bằng và hiệu quả nhất thì phải xem xét việc đền bù xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục