Lý do khiến các nước vùng Vịnh nỗ lực giảm bớt căng thẳng Mỹ-Iran

Ngày 29/12/2019, để trả đũa cho vụ tấn công bằng tên lửa diễn ra trước đó 2 ngày do lực lượng Kataib Hezbollah (KH) thân Iran tiến hành nhằm vào căn cứ quân sự K-1 gần Kirkuk của Iraq.
Lý do khiến các nước vùng Vịnh nỗ lực giảm bớt căng thẳng Mỹ-Iran ảnh 1Việc Mỹ sát hại Tướng Soleimani làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. (Ảnh: AP/TTXVN)

Quan ngại về việc Iran ngày càng mở rộng quyền bá chủ khu vực Trung Đông, các nước vùng Vịnh đã hậu thuẫn các hoạt động của Mỹ nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran. Thế nhưng, chính các nước này sẽ phải đối mặt với quá nhiều rủi ro về cả kinh tế và an ninh, nếu cuộc xung đột giữa Washington và Iran tiếp tục leo thang.

Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, số ra ngày 16/1/2020, đã phân tích lý do vì sao các nước vùng Vịnh giờ phải ra sức nỗ lực góp phần giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Stratfor cũng cho rằng nguy cơ xung đột xảy ra trong khu vực cũng khiến nhiều nước vùng Vịnh phải tìm cách phát triển đa dạng hóa nền kinh tế của họ chứ không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngành dầu khí truyền thống.

Giờ đây, khi quan hệ Mỹ-Iran ngày càng trở nên căng thẳng, các nước láng giềng của Iran phải cân nhắc họ nên đứng ở đâu trong trường hợp sự căng thẳng này leo thang lên tới mức nghiêm trọng.

Mặc dù Washington và Tehran đều kịp lùi khỏi miệng hố chiến tranh sau khi Mỹ giết hại Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, nhưng nếu kiểu "ăn miếng trả miếng" như vậy tiếp tục xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn hoặc kéo dài hơn thì khu vực vùng Vịnh đương nhiên sẽ bị coi là môi trường kinh doanh đầy nguy hiểm, dẫn đến những ảnh hưởng bất lợi và kéo dài về kinh tế cho các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

[Châu Á quan ngại về tình hình Trung Đông sau khi Mỹ sát hại tướng Iran]

Tuy nhiên, dù muốn “gỡ được ngòi nổ” mối hiểm họa này, nhưng các nước vùng Vịnh lại gần như không tạo được ảnh hưởng nào đối với chiến lược khu vực vùng Vịnh của Washington, kể cả khi chiến lược của Mỹ có thể khiến chính các nước này bị rơi vào tình huống nguy hiểm. Bằng chứng rõ nhất có thể minh chứng cho điều này chính là vụ Iran tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia hồi tháng 9/2019.

Chính vì quan ngại Mỹ và Iran đối đầu nhau sẽ gây ra những hệ lụy kinh tế đối với chính mình, nên các nước vùng Vịnh đã phải cân nhắc và cố gắng đóng góp vào nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực này.

Những rủi ro về kinh tế nếu xung đột Mỹ-Iran leo thang

Với các nước vùng Vịnh, rủi ro rõ nhất nếu Mỹ và Iran leo thang xung đột sẽ là những hậu quả về kinh tế dài hạn, do khu vực vùng Vịnh sẽ bị coi là mất ổn định.

Các ngành vận tải biển và hàng không ở đây đã nếm trải nhiều ảnh hưởng tiêu cực do đợt căng thẳng Mỹ-Iran vừa qua gây ra.

Các công ty bảo hiểm vận tải tuần vừa qua đã tăng vọt phí bảo hiểm vì lý do nguy cơ chiến tranh hiện hữu. Các chuyến bay vào không phận Iraq và Iran phải hoãn do tình hình hỗn loạn. Thế nhưng, chính lệnh cấm bay đang áp dụng hiện nay mới thực sự sẽ gây ra những hậu quả kinh tế dài lâu, nhất là ở một khu vực phụ thuộc nhiều vào các chuyến bay quốc tế như vùng Vịnh.

Chuyến bay của Ukraine bị tên lửa Iran bắn rơi hôm 8/1 khiến toàn bộ phi hành đoàn và hành khách thiệt mạng cho thấy mức độ nguy hiểm nghiêm trọng mà tình trạng xung đột leo thang có thể gây ra đối với ngành hàng không khu vực này.

Đối với các ngành liên quan năng lượng có tầm quan trọng sống còn đối với các nước vùng Vịnh, những sự kiện gần đây giữa Iran và Mỹ không chỉ gây ra những bất ổn tạm thời về giá dầu. Giả sử một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào cơ sở hạ tầng khiến một lượng dầu lớn bị thất thoát thì giá dầu thế giới sẽ lãnh hậu quả dài hạn.

Nếu trong thời gian tới căng thẳng Mỹ và Iran vẫn ở mức cao, các nước vùng Vịnh sẽ rất khó có thể thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài, khách du lịch và giới doanh nhân rằng vùng Vịnh là điểm đến ổn định và đương nhiên điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến các kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế mà các nước này đang tính về lâu dài.

Để hạn chế bớt sự đình trệ về kinh tế khó tránh khỏi trong thập kỷ tới, các nước vùng Vịnh đều đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của mình vào ngành dầu khí cũng như lao động nước ngoài thông qua các chiến lược khuyến khích, huy động người dân trong nước của mình đi làm nhiều hơn.

Ví dụ, Saudi Arabia gần đây tập trung quảng bá du lịch và mời chào các doanh nghiệp quốc tế đến làm ăn tại nước này, thế nhưng những nguy cơ về một đợt căng thẳng Mỹ-Iran mới sẽ khiến kế hoạch của Riyadh gặp khó, nhất là khi những xung đột nói trên lại ảnh hưởng trực tiếp đến ngành dầu khí, nguồn thu quan trọng để Saudi Arabia có ngân sách thực thi các chương trình đa dạng hóa kinh tế của mình.

Xung đột Mỹ- Iran kéo dài sẽ cũng khiến khách du lịch, các nhà đầu tư bất động sản và doanh nhân không muốn đến các sự kiện diễn ra ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE), chẳng hạn như sự kiện Expo 2020 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2020. Đồng thời, điều này cũng khiến cho các nước như Kuwait, Oman và Qatar gặp khó khăn trong việc thu hút được lao động nước ngoài vốn là một lực lượng hùng hậu mà các nước này luôn rất cần.

Giữa hai làn đạn

Một nguy cơ nữa nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng lớn hơn, nhưng cũng khó xảy ra hơn là khả năng xảy ra các cuộc tấn công thực địa do Iran hoặc các nước gần khu vực vùng Vịnh tiến hành.

Trong trường hợp leo thang nghiêm trọng xảy ra và Iran tấn công các mục tiêu của Mỹ ở trong khu vực vùng Vịnh, tất cả các nước vùng Vịnh sẽ đối mặt với nguy cơ bị tấn công trên diện rộng, nhất là trong bối cảnh hiện nước nào cũng có các căn cứ quân sự và quân đội của Mỹ đang đồn trú.

Tuy nhiên, một số nước vùng Vịnh sẽ có nguy cơ bị Iran tấn công lớn hơn một số nước khác. Ví dụ, Saudi Arabia và Bahrain vốn có mối quan hệ thù địch với Tehran từ trước, nên sẽ là những nước có nguy cơ bị tấn công nhất, đặc biệt là tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu và lọc nước mặn.

Các nước Oman, Qatar và Kuwait có mối quan hệ mang tính chất thực dụng với Iran, nên sẽ ít có nguy cơ bị tấn công hơn. UAE đứng ở khoảng giữa, bởi Chính quyền liên bang của nước này ở Abu Dhabi đối đầu với Iran, nhưng các chính quyền địa phương thì không hẳn.

Một điều nữa cũng đáng đề cập là hoạt động của các thế lực thân Iran cũng có thể là mối nguy hiểm về an ninh đối với các nước vùng Vịnh. Lực lượng Houthi (ở Yemen) do Iran hậu thuẫn hiện thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công ở Yemen gần biên giới Saudi Arabia.

Nếu căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng, quân Houthi có thể sẽ củng cố lực lượng cùng với Tehran và bắt đầu chống lại những nỗ lực của Riyadh nhằm đối thoại trực tiếp với nhóm này, trong bối cảnh Saudi Arabia đang tìm kiếm giải pháp rút khỏi cuộc chiến kéo dài ở Yemen.

Rào cản giữa Mỹ và các nước vùng Vịnh

Khi đối mặt với các nguy cơ rủi ro về kinh tế và an ninh như thế này, các nước vùng Vịnh biết rằng họ chỉ có thể cố gắng tạo chút ảnh hưởng chứ không thể kiểm soát được chiến lược chống Iran của Mỹ.

Vì vậy, để giảm bớt nguy cơ leo thang chiến tranh Mỹ-Iran, Saudi Arabia và UAE cũng theo bước các nước Oman và Kuwait đã làm. (Ví dụ, phía Riyadh cố gắng đối thoại gián tiếp với Iran).

Về phần mình, Iran cũng cố gắng một mặt chống chọi với các lệnh trừng phạt của Mỹ và một mặt duy trì và bảo vệ quan hệ chiến lược của mình với các đồng minh trong khu vực.

Xét cho cùng, mục tiêu hàng đầu của Iran là giảm bớt tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực vùng Vịnh, bằng việc phải làm sao để lực lượng của Mỹ ra khỏi các căn cứ quân sự dọc theo Bán đảo Arab. Tuy nhiên, để làm được như vậy, việc đầu tiên là Iran phải tỏ rõ thiện chí không định tấn công các mục tiêu đặt tại các nước này trong tương lai.

Tình hình đối đầu giữa Mỹ và Iran cộng với những hậu quả sẽ xảy ra do cuộc xung đột này gây ra dần dần sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa các nước vùng Vịnh và Mỹ.

Do không có được ảnh hưởng đối với các hành động của Mỹ kể cả khi những hành động đó dẫn tới những hậu quả nặng nề về an ninh và kinh tế trong khu vực, niềm tin của các nước vùng Vịnh đối với Mỹ có thể sẽ bị xói mòn theo thời gian.

Trước mắt, Mỹ có thể yêu cầu các nước vùng Vịnh phải đối xử “rắn” với Iran, dọa đưa ra các lệnh trừng phạt buộc các nước như Qatar và Oman phải cắt quan hệ kinh tế với Tehran. Thế nhưng, khi ép buộc các nước vùng Vịnh phải làm theo ý mình mà không cho họ quyền có tiếng nói gì khi buộc phải hành động chống Iran, Washington cũng sẽ phải đối mặt với rủi ro tự làm gia tăng bất ổn ở khu vực Trung Đông chứ không phải bình ổn tình hình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục