Lý Sơn: Giá xăng dầu vẫn cao hơn đất liền tới 1.500 đồng

Mặc dù người dân đã được dùng lưới điện quốc gia, nhưng một tồn tại lâu nay ở huyện đảo Lý Sơn là người dân vẫn phải mua xăng dầu cao hơn so với đất liền từ 1.000-1.500 đồng/lít.
Lý Sơn: Giá xăng dầu vẫn cao hơn đất liền tới 1.500 đồng ảnh 1Nhân viên cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đang bán xăng cho khách hàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 3/11, ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi cho biết, mặc dù người dân đã được dùng lưới điện quốc gia, nhưng một tồn tại lâu nay ở huyện đảo Lý Sơn là người dân vẫn phải mua xăng cao hơn so với đất liền từ 1.000-1.500 đồng/lít.

Ông Thủy cho biết thêm, hiện một số đầu mối xăng dầu mới thực hiện việc giao hàng tại cảng Sa Kỳ cho các đại lý và tổng đại lý của mình nhưng để chuyên chở ra đảo Lý Sơn phải mất 28 km đã làm đội giá mặt hàng này lên rất nhiều.

Bên cạnh đó, việc đưa xăng E5 đến đảo Lý Sơn hiện cũng chưa thể thực hiện được do các tàu chở mặt hàng này ra đảo vẫn chưa đạt chuẩn.

"Lý Sơn hiện có khoảng 4.500 hộ, tương đương khoảng 22.000 dân, tại đây cũng tập trung rất nhiều tàu đánh cá nhưng hiện liên bộ Tài Chính-Công Thương vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn giá xăng dầu áp dụng cho các huyện đảo nên người dân Lý Sơn vẫn phải mua đắt hơn giá thực tế rất nhiều," ông Thủy nêu ý kiến.

Trước ý kiến của lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, tại buổi họp giao ban, ông Võ Văn Quyển, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây liên bộ đã ban hành thông tư 39/2014/TTLT-BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2014.

Thông tư này cho phép thương nhân đầu mối ở các địa bàn ở xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí kinh doanh bình quân định mức cao hơn 1.050 đồng/lít đối với xăng; 950 đồng/lít đối với dầu điêzen, dầu hỏa và 600 đồng/kg đối với các loại dầu madút thì được cân đối, xem xét quyết định và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình; được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó để bù đắp chi phí kinh doanh hợp lý, hợp lệ phát sinh, nhưng phải đảm bảo giá bán không vượt quá 2% giá cơ sở công bố tại cùng thời điểm.

"Trong quá trình thực hiện thông tư 39 Bộ Công Thương sẽ nhắc các thương nhân đầu mối làm tốt nhiệm vụ này cũng như có giá bán xăng dầu tại các đảo và địa bàn khó khăn cho phù hợp," ông Võ Văn Quyền nói.

Tại buổi họp, ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết, về vận chuyển xăng E5 ra Lý Sơn, PVN đã nghiên cứu và dự định trong tháng Mười Một, tập đoàn sẽ áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm vận chuyển xăng E5 bằng tàu biển ra đảo, đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu xăng sinh học cho các đảo xa đất liền.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, sẽ sử dụng xăng E5-Ron 92 từ ngày 1/12 tới.

Tuy nhiên, từ ngày 1/9, Quảng Ngãi đã đi trước 3 tháng so với lộ trình của Chính phủ. Cũng theo lộ trình này, sau 7 tỉnh thành nói trên, xăng E5-Ron 92 sẽ được phân phối rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1/12/2015.

Bên cạnh đó, để quản lý xăng dầu tốt hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/11/2014 nhằm thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15/10/2009. Theo đó, một trong những điểm nổi bật của Nghị định mới ban hành là giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Tính đến ngày 23/10/2014, thị trường xăng dầu trong nước đã qua 20 lần điều chỉnh giá. Riêng giá xăng có 5 lần tăng giá và 8 lần giảm giá, với tổng mức tăng là 1.430 đồng và mức giảm là 3.300 đồng.

Sau lần điều chỉnh ngày 23/10, giá xăng Ron 92 và xăng sinh học E5 Ron 92 tại vùng 1 của Petrolimex là 22.890 đồng/lít. Đối với vùng 2, giá các mặt hàng này cao hơn vùng 1 là 440 đồng/lít và giá bán được áp dụng là 22.780 đồng/lít./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục