Mexico: Phát hiện hóa thạch nhím có niên đại 30 triệu năm

Các nhà khoa học đặt tên cho chi của loài nhím này là Dzavui landeri, theo tên của một vị thần trong tín ngưỡng của người Mixtec cổ đại, và cũng là thần bảo hộ của thị trấn Santiago de Yolomécatl.
Mexico: Phát hiện hóa thạch nhím có niên đại 30 triệu năm ảnh 1Khu vực phát hiện hóa thạch nhím. (Nguồn: rpp.pe)

Các nhà khoa học Mexico đã phát hiện hóa thạch của một chi nhím chưa từng được ghi nhận trước đây, có niên đại lên tới 30 triệu năm tại ở thị trấn Santiago de Yolomécatl, thuộc bang miền Nam Oaxaca.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí Historical Biology (Sinh học Lịch sử). Hiện hóa thạch này được bảo vệ trong bộ sưu tập của Phòng thí nghiệm Cổ sinh học thuộc Đại học Biển Mexico.

Các nhà khoa học đặt tên cho chi của loài nhím này là Dzavui landeri, theo tên của một vị thần trong tín ngưỡng của người Mixtec cổ đại, đồng thời cũng là thần bảo hộ của thị trấn Santiago de Yolomécatl.

Cái tên Dzavui landeri cũng xuất phát từ tên của nhà cổ sinh vật học người Mỹ Bruce Lander.

[Phát hiện hóa thạch loài khủng long ăn thịt cuối cùng trên Trái Đất]

Theo các chuyên gia, hóa thạch mới khai quật được cho thấy chi nhím này có hàm dưới với một răng tiền hàm và một răng hàm.

Với cấu tạo răng như vậy, loài nhím này có thể ăn thịt nhiều hơn các loài từng được tìm thấy ở Bắc Mỹ. Loài này có kích cỡ lớn hơn và hình thái nguyên thủy tương tự như tổ tiên của chúng ở châu Á, nơi khởi nguồn của họ nhím.

Phát hiện này thu hút sự chú ý của giới khoa học vì trong số các hóa thạch của loài nhím được tìm thấy ở Bắc Mỹ, mẫu vật mới xuất hiện ở vùng gần về phía Nam và có khí hậu nhiệt đới nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục