Mùa Hè 2022 là nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử châu Âu

Báo cáo cập nhật hằng năm của C3S cho thấy châu Âu đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình thế giới, cụ thể ở mức 2,2 độ C trong vòng 5 năm qua so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Mùa Hè 2022 là nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử châu Âu ảnh 1Người dân tránh nắng nóng tại công viên ở Brussels, Bỉ, ngày 17/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/4, cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là C3S, cho biết 2022 là năm có mùa Hè nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Hiện tượng này hoàn toàn có thể lặp lại trong bối cảnh châu Âu đang ấm lên với tốc độ gần gấp đôi so với tỷ lệ toàn cầu.

Báo cáo cập nhật hằng năm của C3S cho thấy 2022 là năm nóng thứ hai và có mùa Hè nóng nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập từ những năm 1950. Đáng chú ý, khu vực châu Âu đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp đôi so với mức trung bình thế giới, cụ thể ở mức 2,2 độ C trong vòng 5 năm qua so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mực nước của 2/3 số con sông tại châu Âu đã giảm xuống dưới mức trung bình và 5 km3 băng đã biến mất khỏi các dòng sông băng trên dãy Alps do tuyết rơi ít và nhiệt độ mùa Hè tăng mạnh.

Phó Giám đốc C3S, bà Samantha Burgess cho rằng với nồng độ khí thải nhà kính trong bầu khí quyển tăng cao, nhiều khả năng châu Âu sẽ tiếp tục nóng lên trong nhiều năm tới. Trong đó, chất lượng đất khu vực Nam Âu sẽ trở nên cực kỳ khô trừ khi có mưa nhiều vào mùa Xuân năm nay. Điều này tác động đáng kể đến vụ mùa và làm giảm sản lượng cây trồng trong năm.

Trong khi đó, Giám đốc C3S, ông Carlo Buontempo cho biết nhiệt độ kỷ lục năm 2022 đã tác động đáng kể đến hệ sinh thái và cộng đồng sinh sống trên toàn châu lục, khiến tình trạng hạn hán ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

Cụ thể, châu Âu có mưa và tuyết ít hơn mức trung bình vào mùa Đông 2021-2022, sau đó là hàng loạt đợt nắng nóng mùa Hè kéo dài. Điều này không chỉ gây ra cháy rừng mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, năng lượng và vận tải đường sông, khiến lượng khí thải carbon trên toàn EU tăng mạnh nhất kể từ năm 2017.

Theo C3S, lượng khí thải nhà kính trong bầu khí quyển năm 2022 đã chạm mốc cao nhất được ghi nhận trong lịch sử. Tổ chức tư vấn khí hậu Ember dự báo lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh vào năm 2023.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các quốc gia đã cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhằm đưa mức phát thải ròng về 0 để kiềm chế sự tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ toàn cầu năm 2022 đã tăng 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

[Bước tiến mới của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu]

Các đợt nắng nóng như những đợt bao trùm châu Âu trong những năm gần đây chắc chắn sẽ trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn, gây tác động rất lớn.

Phó giáo sư về khoa học môi trường và giảng viên cao cấp về biến đổi khí hậu tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) Mikael Karlsson đã đưa ra cảnh báo trên khi bình luận về các đợt nắng nóng gần đây ở châu Âu.

Trong bình luận trên Đài truyền hình Thụy Điển (SVT), ông Karlsson nêu rõ: “Điều đáng lo ngại là chúng ta thấy tác động (của các đợt nắng nóng) dữ dội hơn so với những gì chúng ta hình dung cách đây 10 năm. Đợt nắng nóng gần đây nhất đã đẩy nhiệt độ (trong mùa Đông) lên trên 19 độ C ở Ba Lan và Cộng hòa Séc và gần 17 độ C ở Hà Lan."

Trong khi đó, nhà khí tượng học của SVT, Tora Tomasdottir nhận định việc nhiều kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ trong một thời gian ngắn như vậy là rất bất thường.

Theo ông Karlsson, các kỷ lục nhiệt độ tiếp theo rất có thể sẽ bị phá vỡ trong những năm tới do hình thái thời tiết khắc nghiệt trở nên thường xuyên hơn.

Trong khi trên toàn châu Âu ghi nhận một mùa Đông ấm lịch sử thì khu vực Bắc Mỹ phải vật lộn với nhiệt độ đóng băng và tuyết rơi dày.

Mùa Hè 2022 là nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử châu Âu ảnh 2Một cánh đồng đậu tương bị khô hạn tại Sozzago, Italy ngày 11/7/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phó giáo sư Karlsson cho rằng chi phí để ứng phó với biến đổi khí hậu có thể sẽ cao hơn so với các ước tính trước đây. Ông nói: "Biến đổi khí hậu có lẽ là (thảm họa) tốn kém nhất mà loài người từng gây ra. Cái giá phải trả tương đương với cái giá của một cuộc chiến tranh thế giới."

Tại Italy, Liên đoàn nông nghiệp quốc gia Coldiretti cho biết một mùa Đông khô và ấm bất thường có thể tác động nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp và du lịch của nước này.

Theo báo cáo nghiên cứu được Coldiretti công bố hồi đầu năm, thời tiết ấm áp là điều được các nhà hoạch định chính sách năng lượng hoan nghênh vì làm giảm lo ngại về một mùa Đông dài và lạnh giá có thể gây thêm căng thẳng cho các mạng lưới năng lượng của Italy, vốn đang hoạt động chật vật do giá dầu và khí đốt tăng cao và những lo ngại về gián đoạn nguồn cung.

Tuy nhiên, Coldiretti cho biết thời tiết ấm áp trong mùa Đông này đặc biệt có hại sau khi Italy trải qua đợt nắng nóng kỷ lục và hạn hán trong mùa Hè vừa qua, với lượng mưa giảm hơn 30% so với những năm trước. Điều này đã khiến nguồn cung nước tự nhiên ở Italy giảm xuống mức thấp "nguy hiểm" và không thể phục hồi do lượng mưa thấp hơn bình thường trong mùa Đông. Đây là nguyên nhân khiến mùa màng sẽ gặp rủi ro vào cuối năm nay.

Thời tiết ấm áp của mùa Đông đang khiến một số loại cây trồng như mai dương và chanh ra hoa sớm. Điều này có nghĩa là cây trồng dễ bị thiệt hại do các đợt lạnh sắp diễn ra trong những tuần tới, từ đó có thể "ảnh hưởng nghiêm trọng đến vụ thu hoạch trong tương lai."

Coldiretti cho biết ngành du lịch của Italy cũng đang chịu tác động của một mùa Đông ấm áp, với lượng tuyết rơi thấp hơn ảnh hưởng đến các hoạt động trên núi.

Theo ước tính của Coldiretti, những hậu quả trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu khiến ngành nông nghiệp Italy thiệt hại 6 tỷ euro (6,4 tỷ USD) trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục