Mỹ: Thủy cung OdySea đón 3 chú chim cánh cụt thuộc loại quý hiếm

Thủy cung OdySea ở Arizona, Mỹ, đang ăn mừng sự ra đời của ba chú chim cánh cụt châu Phi - loài chim có nguy cơ tuyệt chủng.
Mỹ: Thủy cung OdySea đón 3 chú chim cánh cụt thuộc loại quý hiếm ảnh 1(Nguồn: AP/Borneo Bulletin)

Thủy tinh OdySea tại Scottsdale, bang Arizona, Mỹ, vừa đón một sự kiện đặc biệt là ba chú chim cánh cụt châu Phi vừa chào đời. Đây là giống chim cánh cụt đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Thủy cung OdySea viết trên trên Instagram rằng động vật lúc nhỏ đều rất tuyệt vời, nhưng ba chú chim nhỏ này là siêu đặc biệt đối với tất cả những thủy cung và các vườn thú khác trên thế giới.

Kèm theo dòng chia sẻ là một đoạn clip cực kỳ dễ thương về những chú chim cánh cụt bé bỏng, kèm theo dòng chữ chạy trên màn hình: "Thật khoan khoái. Chúng rất mềm mại bông xốp."

Nhóm chăm sóc động vật cho biết những chú chim không biết bay đã "nhanh chóng làm tan chảy trái tim những người ở Thủy cung."

Họ cho biết: "Những chú chim nhỏ bé này cực kỳ có giá trị về mặt di truyền đối với loài chim cánh cụt châu Phi đang bị đe dọa tuyệt chủng, bởi chúng được sinh ra từ hai cặp chim bố mẹ Mojo và Lemieux, Bubbles và Weasley, những cặp đôi được coi là có giá trị cao trong cộng đồng động vật học."

Một bài đăng khác trên Instagram của Thủy cung OdySea cho thấy hình ảnh những nhân viên đang bế những chú chim non một cách nhẹ nhàng vì chúng chưa thể hoàn toàn tự đứng dậy được.

[Phát hiện nơi ở mới của loài chim cánh cụt hoàng đế sắp tuyệt chủng]

Hai trong số ba chú chim cánh cụt non do cặp chim bố mẹ Mojo và Lemieux sinh ra. Chúng là những con chim cánh cụt được ghép đôi như một phần của chương trình nhân giống của sở thú trước đó.

Chúng được đề cử tham gia vào Kế hoạch sinh tồn của loài, một chương trình nhân giống do tổ chức AZA thành lập để cứu những quần thể loài bị đe dọa và có nguy cơ tuyệt chủng.

Chú chim còn lại do cặp bố mẹ Bubbles và Weasley sinh ra. Và đây cũng là lần đầu chúng được làm bố mẹ.

Hiện các chú chim non cùng bố mẹ của chúng đang ở tình trạng tốt. Chúng sẽ được giấu tên và chưa được ra mắt khách tham quan cho đến khi mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng.

Hiện tại chúng được gọi là 42, 43 và 44 trong khi chờ đặt tên. Giới tính của chúng vẫn chưa được xác định.

Những chú chim nhỏ chào đời thành công sẽ hỗ trợ rất nhiều cho mục tiêu xây dựng một quần thể di truyền khỏe mạnh trong các vườn thú và thủy cung.

Thủy cung OdySea có 40 con chim cánh cụt châu Phi, trong đó có 13 con được chào đời tại đây.

Dân số của loài chim cánh cụt duy nhất được tìm thấy ở châu Phi này đang sụt giảm nghiêm trọng, giảm tới hơn 95% kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Các chuyên gia ước tính loài chim này sẽ tuyệt chủng trong tự nhiên trong vòng 3 năm tới nếu tình trạng biến đổi khí hậu vẫn diễn ra nghiêm trọng, cùng với quá trình công nghiệp hóa của con người.

"Khi quần thể chim cánh cụt châu Phi đang tiếp tục tiếp tục giảm nhanh chóng - giảm 23% chỉ trong vòng hai năm qua - Thủy cung OdySea vẫn cam kết bảo vệ sự sống còn của loài này trong quan hệ đối tác với các cơ sở được Hiệp hội Sở thú và Thủy cung khác công nhận," Jess Peranteau, giám đốc chăm sóc và giáo dục động vật của thủy cung, cho biết trên AP.

Chim cánh cụt châu Phi thoạt nhìn giống các loài cánh cụt khác về mặt kích thước. Chúng có mỏ dày và đen, trên đầu có đốm trắng, phần ngực có sọc đen hình móng ngựa kéo dài xuống tận chân, phần còn lại màu trắng với những đốm nhỏ màu xám.

Cánh cụt châu Phi có thân hình mỏng hơn các loài khác do có bộ lông thưa và lớp mỡ dưới da khá mỏng.

Chúng thường sống ở các vùng đất lớn dọc theo bờ biển Tây Nam châu Phi, từ Namibia đến cảng Elizabeth (Nam Phi) và những hòn đảo khác ở xung quanh. Quần thể lớn nhất là nằm ở trên đảo Dyer.

Những con chim này thường xây tổ ở dưới những bụi cây hoặc vách đá để đối phó với ánh nắng khắc nghiệt của châu Phi.

Chim cánh cụt châu Phi thường gặp nguy hiểm từ những kẻ thù như linh cẩu, chó rừng, cá mập, hải cẩu và thậm chí cả mèo nhà. Ngoài ra, con người cũng là một mối nguy hai đáng kể đối với sự tồn vong của chúng.

Những hoạt động đánh bắt cá, thu hoạch trứng, những thảm họa thiên nhiên như tràn dầu, ô nhiễm, rác thải đều ảnh hưởng đến lượng thứ ăn của chúng.

Và dù được theo dõi và bảo vệ, chúng vẫn gặp nguy hiểm khi gió mang rác từ nơi ở của con người tới khu vực sinh sống của chúng và khiến chúng vô tình ăn phải./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục