Mỹ: Lãi suất cho vay thế chấp tăng trước lo ngại về khả năng suy thoái

Tại Mỹ, lãi suất cho các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm trung bình ở mức 5,54% trong tuần kết thúc vào ngày 21/7, cao hơn nhiều so với mức 2,78% cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ: Lãi suất cho vay thế chấp tăng trước lo ngại về khả năng suy thoái ảnh 1Lãi suất cho vay thế chấp tại Mỹ đã chạm mức cao nhất trong năm nay là 5,81% vào giữa tháng Sáu. (Ảnh: THX/TTXVN)

Lãi suất cho vay thế chấp tại Mỹ đã tăng tuần thứ hai liên tiếp khi ngày càng có nhiều chỉ báo kinh tế phát đi những dấu hiệu đáng cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế.

Theo Freddie Mac, lãi suất cho các khoản vay thế chấp có lãi suất cố định kỳ hạn 30 năm trung bình ở mức 5,54% trong tuần kết thúc vào ngày 21/7, tăng so với mức 5,51% trong tuần trước đó và cao hơn nhiều so với mức 2,78% cùng kỳ năm ngoái. Lãi suất cho vay thế chấp đã tăng mạnh kể từ tháng Một và chạm mức cao nhất trong năm nay là 5,81% vào giữa tháng Sáu.

Lãi suất cao hơn đã làm giảm nhu cầu vay thế chấp, với số đơn vay thế chấp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 22 năm qua, theo Hiệp hội các nhà cho vay thế chấp (MBA).

Sự sụt giảm trong số đơn đăng ký vay thế chấp này phù hợp với các báo cáo trước đó trong tuần này cho thấy hoạt động xây nhà đang chậm lại do lượng người mua giảm và giá nguyên vật liệu tăng. Bên cạnh đó, một báo cáo khác cho thấy doanh số bán nhà sẵn có đã giảm tháng thứ năm liên tiếp.

Cuộc họp tuần tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đang ảnh hưởng đến lãi suất cho vay thế chấp. Thị trường và giới chuyên gia dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (tương đương 0,75 điểm phần trăm) nữa trong cuộc họp tới để kiềm chế lạm phát. Câu hỏi đặt ra là liệu mức tăng lãi suất như vậy có đủ không hay Fed sẽ thực hiện mức tăng 100 điểm cơ bản.

[Mỹ: Giá nhà tăng mạnh có thể làm gia tăng lạm phát trong năm nay]

Fed không trực tiếp đặt ra mức lãi suất cho vay thế chấp, mà lãi suất này lại thường diễn biến theo trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ.

Nhưng lãi suất cho vay thế chấp lại bị tác động gián tiếp bởi cách ứng phó với lạm phát của Fed. Khi giới đầu tư dự đoán lãi suất tăng, họ thường bán trái phiếu chính phủ, khiến lợi suất tăng cao hơn và lãi suất cho vay thế chấp cũng tăng theo.

Nhiều công ty lớn “dè dặt” hơn trong hoạt động tuyển dụng

Thị trường việc làm tại Mỹ được đánh giá là “khỏe mạnh,” với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,6% và nhiều công ty vẫn duy trì hoạt động tuyển dụng ổn định. Nhưng nhiều công ty lớn vẫn tỏ ra lo ngại về tình hình thị trường việc làm.

Apple được cho là đang giảm tốc độ tuyển dụng thêm nhân viên mới. Microsoft, Meta - công ty mẹ của Facebook, và tập đoàn Alphabet - chủ sở hữu Google, cũng đang đóng băng hoạt động tuyển dụng.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho biết sẽ không tuyển dụng nhiều trong nửa cuối năm nay. Ford được cho là sẽ sớm thông báo cắt giảm nhân sự, sau khi Tesla, Victoria's Secret và Twitter đã có động thái tương tự. Công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop cũng đang có kế hoạch sa thải nhân viên.

Mỹ: Lãi suất cho vay thế chấp tăng trước lo ngại về khả năng suy thoái ảnh 2Hãng xe Ford được cho là sẽ sớm thông báo cắt giảm nhân sự. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Rõ ràng là các công ty ở nhiều ngành khác nhau đang tìm cách thu hẹp quy mô nhân sự tại thời điểm ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng nền kinh tế giảm tốc. Những lo ngại này có thể còn gia tăng nếu Fed tiếp tục nâng lãi suất vào tuần tới để kiềm chế lạm phát.

Số người thất nghiệp tại Mỹ đang tăng đều trong những tuần gần đây. Số liệu chính thức được công bố ngày 21/7 cho thấy có 251.000 người nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước. Dù vẫn thấp so với các mức tiêu chuẩn trước đây, nhưng con số này là mức cao nhất trong tám tháng qua.

Ông Bruce Van Saun, Giám đốc điều hành (CEO) của ngân hàng Citizens Financial Group (CFG), cho biết, các công ty ở một số lĩnh vực có khả năng trì hoãn tuyển dụng hoặc cắt giảm nhân sự cao hơn các lĩnh vực khác.

Theo ông, các ngân hàng lớn như Goldman Sachs rõ ràng bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường chứng khoán sụt giảm. Bên cạnh đó, ông cho rằng nhiều công ty công nghệ có thể cần phải trì hoãn tuyển thêm nhân viên sau nhiều năm phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy làn sóng tuyển dụng trong lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục