Mỹ và Đức tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày 4/6 đã đến Ấn Độ trong chuyến thăm hai ngày để tìm cách tăng cường hợp tác song phương, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng dự kiến thăm Ấn Độ trong bốn ngày kể từ ngày 5/6.
Mỹ và Đức tìm cách tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ ảnh 1Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. (Ảnh minh họa: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 4/6 đã đến Ấn Độ trong chuyến thăm hai ngày để tìm cách tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng song phương, đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ quan trọng để cùng phát triển vũ khí hạng nặng.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin diễn ra hơn hai tuần trước chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi tới Washington, trong đó, hai bên dự kiến sẽ công bố các sáng kiến nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Ấn Độ-Mỹ.

Đây là chuyến thăm thứ hai của Bộ trưởng Austin tới Ấn Độ, sau chuyến công du đầu tiên hồi tháng 3/2021.

Ông Austin vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, Singapore và lên kế hoạch thăm Pháp sau khi rời Ấn Độ. Ở Singapore, ông đã dự và có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 20.

Trong đoạn tweet được đăng tải ngay sau khi đặt chân đến New Delhi, Bộ trưởng Austin viết: “Tôi trở lại Ấn Độ để gặp gỡ các nhà lãnh đạo chủ chốt nhằm thảo luận về việc củng cố Quan hệ Đối tác Quốc phòng Chính của chúng ta. Cùng nhau, chúng ta đang thúc đẩy tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

[Mỹ và Ấn Độ phối hợp phát triển máy bay không người lái]

Dự kiến trong ngày 5/6, Bộ trưởng Austin và người đồng cấp nước chủ nhà Rajnath Singh sẽ trao đổi về một số dự án hợp tác quốc phòng, trong đó đề cập đến đề xuất của tập đoàn General Electric (Mỹ) nhằm chia sẻ với Ấn Độ công nghệ chế tạo động cơ máy bay chiến đấu và kế hoạch của New Delhi mua 30 máy bay không người lái có vũ trang MQ-9B với chi phí hơn 3 tỷ USD từ tập đoàn quốc phòng General Atomics Aeronautical Systems Inc của Mỹ.

Ấn Độ đang cân nhắc triển khai dự án sản xuất động cơ phản lực ở trong nước theo khuôn khổ chuyển giao công nghệ để cung cấp sức mạnh cho các máy bay chiến đấu của nước này.

Quan hệ quốc phòng và chiến lược giữa Ấn Độ và Mỹ đã và đang trở nên sâu sắc hơn trong vài năm qua. Hai nước đã ký các thỏa thuận quốc phòng và an ninh lớn, bao gồm Bản ghi nhớ về Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) vào năm 2016, cho phép quân đội hai bên sử dụng căn cứ của nhau để sửa chữa và bổ sung vật tư.

Hồi tháng 6/2016, Mỹ đã chỉ định Ấn Độ là “Đối tác Quốc phòng Chính,” qua đó mở đường cho việc chia sẻ các thiết bị và công nghệ quân sự quan trọng.

Hai bên cũng đã ký Thỏa thuận về tính tương thích và an ninh truyền thông (COMCASA) vào năm 2018, trong đó quy định khả năng tương tác giữa quân đội hai nước và bán công nghệ cao từ Mỹ cho Ấn Độ.

Hồi tháng 10/2020, Ấn Độ và Mỹ đã ký Thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA) nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ quốc phòng song phương. Thỏa thuận quy định việc chia sẻ công nghệ quân sự cao cấp, hậu cần và bản đồ không gian địa lý giữa hai nước.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius dự kiến thăm Ấn Độ trong bốn ngày, kể từ ngày 5/6.

Ngoài cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, ông Pistorius có thể sẽ gặp một số công ty khởi nghiệp quốc phòng tại một sự kiện được tổ chức theo sáng kiến Đổi mới vì Chất lượng Quốc phòng (iDEX) ở New Delhi.

Ngày 7/6, Bộ trưởng Pistorius sẽ tới Mumbai để thăm Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân miền Tây và Công ty đóng tàu Mazagon Dock./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục