Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo An điều tra nghi vấn tấn công hóa học ở Syria

Ngày 9/4, Mỹ đã đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập mới về các vụ nghi tấn công hóa học tại Syria
Mỹ yêu cầu Hội đồng Bảo An điều tra nghi vấn tấn công hóa học ở Syria ảnh 1Người dân Syria được điều trị triệu chứng khó thở sau một vụ tấn công được cho là sử dụng vũ khí hóa học ở Douma (Syria). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/4, Mỹ đã đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập mới về các vụ tấn công hóa học tại Syria sau khi xảy ra vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hồi cuối tuần qua tại thị trấn Douma, khu vực Đông Ghouta của Syria.

Dự thảo nghị quyết mới này tương tự bản dự thảo mà Mỹ đề xuất hồi tháng 3 vừa qua và bị Nga bác bỏ. Nhiều khả năng Moskva cũng sẽ phủ quyết văn kiện mới này.

Theo dự thảo nghị quyết, Cơ chế điều tra độc lập của Liên hợp quốc (UNIMI) sẽ được thành lập trong 1 năm và phối hợp với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để xác định thủ phạm gây ra các vụ tấn công hóa học tại Syria.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong vòng 30 ngày vạch ra phương án hoạt động của UNIMI "dựa trên các quy tắc công bằng, độc lập và chuyên nghiệp."

9 quốc gia, gồm cả Mỹ, đã đề nghị tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề Syria và cuộc họp này của Hội đồng Bảo an đã diễn ra rạng sáng 10/4 (theo giờ Hà Nội) để thảo luận về vụ tấn công tại Douma.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết ông sẽ không loại trừ “bất kỳ điều gì” sau vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học hồi cuối tuần qua tại Syria, đồng thời đổ lỗi cho Nga vì đã không làm tròn nghĩa vụ bảo đảm việc Damascus từ bỏ năng lực vũ khí hóa học của mình.

Phát biểu trước một cuộc gặp với lãnh đạo Qatar, ông Mattis cho biết Mỹ cần xem xét tại sao vũ khí hóa học vẫn được sử dụng trong khi Nga đóng vai trò là nước bảo trợ then chốt trong việc tiêu hủy toàn bộ vũ khí hóa học tại Syria, đồng thời sẽ phối hợp với các nước đồng minh và các đối tác như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Qatar...để giải quyết vấn đề này. 

Khi được hỏi liệu có loại trừ khả năng thực hiện các hành độngnhư tiến hành không kích các cơ sở vũ khí hóa học của Tổng thống Bashar al-Assad hay không, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói: “Vào thời điểm này, tôi không loại trừ bất kỳ điều gì.” 

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định Tổng thống Assad và các bên hậu thuẫn, trong đó có Nga, “sẽ phải chịu trách nhiệm” nếu vụ tấn công bằng khí độc tại thị trấn Douma được xác thực. Nhà lãnh đạo Anh đưa ra tuyên bố trên với báo giới tại Copenhaghen sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục