Mỹ-Iran và “trò chơi chiến tranh tâm lý” ở Trung Đông

Mỹ tin rằng IRGC được tạo ra nhằm duy trì sự cai trị của thủ lĩnh Hồi giáo Shia ở Iran và sử dụng các phương pháp không chính đáng để củng cố địa vị của mình và vị thế của Iran ở khu vực Trung Đông.
 Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại lễ duyệt binh ở Tehran ngày 22/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại lễ duyệt binh ở Tehran ngày 22/9/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng asianage.com đưa tin, khi siêu cường duy nhất của thế giới quyết định một điều gì đó nằm trong lợi ích chiến lược, họ thích thú tận hưởng sự tự do hành động bất chấp dư luận quốc tế.

Bối cảnh ở đây là việc Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đã liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) như một thực thể khủng bố nước ngoài. Đây là lần đầu tiên, một thực thể của một chính phủ nước ngoài hợp pháp bị gắn mác như vậy.

Mỹ trước đây cũng tuyên bố các tổ chức khác là khủng bố: Taliban, Hezbollah và Hamas là ba ví dụ điển hình, cho dù Taliban có một chính phủ chuyển tiếp (vào thời gian đó).

Hành động hiện nay của Mỹ có thể được nhìn nhận trên cơ sở di sản quá khứ và các sự kiện gần đây.

Thời điểm mà Mỹ rút lại sự ủng hộ của mình đối với Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPA) tháng 7/2015 - hay được biết đến như thỏa thuận hạt nhân Iran - một hành động như vậy có thể được báo trước.

Thực tế, việc thông báo này (Mỹ hủy bỏ JCPA) diễn ra chỉ một ngày trước khi người dân Israel đi bỏ phiếu là một sự quá trùng hợp. Nhiều người cho rằng nó có tác động tích cực đối với sự ủng hộ của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu.

IRGC là ai và nó tạo ra mối đe dọa gì đối với Mỹ? Câu trả lời cho vấn đề này có thể là bằng chứng cho quyết định của Mỹ.

Theo các quan chức Mỹ, IRGC tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Israel, các đồng minh khác của Mỹ và an ninh toàn cầu. Nó được thành lập ngay sau Cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và được cho là có ảnh hưởng quân sự, kinh tế và chính trị rất lớn ở Iran và khắp khu vực Trung Đông.

Mỹ tin rằng IRGC được tạo ra với mục đích chính là duy trì sự cai trị của thủ lĩnh Hồi giáo Shia ở Iran và sử dụng các phương pháp không chính đáng để củng cố địa vị của mình và vị thế của Iran ở khu vực Trung Đông.

IRGC được cho là tài trợ cho các tổ chức khủng bố và thường xuyên nhắm mục tiêu vào các lợi ích của Mỹ. Điều Mỹ có thể lo sợ nhất là IRGC bị ràng buộc bởi lời thề phá hủy Israel và bằng mọi giá phải hất cẳng Mỹ ra khỏi Trung Đông.

[Quá nhiều rào cản, căng thẳng Mỹ-Iran sẽ bùng phát?]

Sự thù địch này ban đầu bắt nguồn từ cuộc xung đột tranh giành quyền thống trị khu vực Trung Đông giữa dòng Shia và Sunni, với Iran là trung tâm cốt lõi của dòng Shia và Saudi Arabia là thành trì của dòng Sunni.

Bất chấp di sản phức tạp của quá khứ, cuộc xung đột ngày nay phù hợp hơn bao giờ hết với ma trận an ninh Trung Đông. Nó gần giống như thời kỳ của cuộc Chiến tranh lạnh, với Mỹ, Israel và trong những năm gần đây là Saudi Arabia tất cả đều cùng một bên.

Còn bên kia là Iran, với sự ủng hộ ngày càng tăng của Nga, đặc biệt sau năm 2015 khi Nga quyết định tiến vào Trung Đông để bảo vệ không gian chiến lược của mình. 

Lợi ích của Nga đặt trọng tâm vào Cảng Latakia ở phía Đông Địa Trung Hải, căn cứ duy nhất mà Nga có ở những vùng biển này.

Cảng Latakia khi đó bị đe dọa bởi Nhà nước Hồi giáo vì căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở gần Latakia. Điều khiến Nga trở thành đồng minh của Iran là cuộc xung đột nổi lên khi đó và nay đã kết thúc ở phía Đông Địa Trung Hải.

Với Hezbollah ở Liban và Bashar al-Assad ở Syria chắc chắn nằm trong phe Iran, mà cũng biến họ trở thành đồng minh của Nga, như vậy phe Iran-Nga có ưu thế vượt trội ở Đông Địa Trung Hải, là lãnh thổ quan trọng giữa Địa Trung Hải và vùng Tây Bắc Iran; là cầu nối tới châu Âu từ Trung Đông.

Việc Mỹ gần đây quyết định rút tất cả 2.000 cố vấn và các Lực lượng Đặc nhiệm khỏi Syria đã để khu vực Đông Địa Trung Hải tự do cho Iran-Nga thống trị và tạo lợi thế chiến lược, khiến mối đe dọa đối với Israel ngày càng lớn.

Việc Mỹ “ghét bỏ” Iran là kết quả của sự thay đổi 180 độ do những sự kiện xảy ra ở Iran trong những năm 1979 và 1980. Vua Iran được Mỹ hậu thuẫn, Reza Shah Pahlavi, đã bị phế truất trong cuộc cách mạnh Hồi giáo và dẫn tới việc bắt giữ 52 nhà ngoại giao Mỹ và các công dân khác trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran làm con tin trong suốt 444 ngày từ năm 1979 đến 1981.

Mặc dù các học giả và các nhà phân tích Mỹ, chẳng hạn như Stephen Schwartz - người ủng hộ chiến tranh Iraq, đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với quyết định của Mỹ ủng hộ Saudi Arabia và phản đối Iran, nhưng Mỹ có lẽ không thể quên nỗi nhục nhã khi các nhà ngoại giao và công dân của mình rơi vào tay các nhà cách mạng Iran.

Vấn đề tồi tệ nhất của di sản này là sự thất bại trong bầu cử của Tổng thống Jimmy Carter năm 1980 và nỗ lực giải cứu vụng về của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ khiến nhiều binh sỹ thiệt mạng.

Mỹ-Iran và “trò chơi chiến tranh tâm lý” ở Trung Đông ảnh 1Các thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). (Ảnh: THX/TTXVN)

IRGC hiện triển khai quân gần sát biên giới phía Bắc của Israel, nơi nó hỗ trợ lực lượng Hezbollah của Liban và tìm cách củng cố chỗ đứng của Tehran ở Syria.

Israel lo sợ rằng việc Iran hỗ trợ Hezbollah dẫn đến sự tập trung và bố trí của 130.000 tên lửa đất đối đất gần biên giới phía Bắc của Israel, tạo ra một mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh nước này.

Cố vấn chính sách hàng đầu về Iran của Bộ ngoại giao Mỹ, Brian Hook, nhấn mạnh: “Chúng ta biết rằng rất nhiều đồng minh của Mỹ trên thế giới đang cảm thấy tuyệt vọng vì sự bất ổn và bạo lực ở Trung Đông. Và nếu chúng ta muốn thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực này thì chẳng có cách nào khác là phải làm suy yếu IRGC.”

Trọng tâm dường như nhắm vào khả năng của IRGC triển khai lực lượng Quds (Đơn vị Đặc nhiệm)- lực lượng này là nhân tố bí ẩn do Thiếu tướng Qassem Soleimani chỉ huy. Yemen cũng là khu vực khác nơi năng lực của IRGC đã và đang làm vô hiệu hóa dòng Sunni và gây lo lắng cho Saudi Arabia.

Tuy nhiên, Mỹ càng mong muốn gán IRGC và những nhóm đồng lõa của nó như “những kẻ khủng bố,” có vẻ thế giới càng không coi những hành động của IRGC là khủng bố.

Trên thực tế, những hành động của IRGC đã giúp đánh đuổi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) bật khỏi những lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của nó ở khu vực Đông Địa Trung Hải và ở mức độ lớn hơn là ngăn chặn bất kỳ sự hồi sinh tiềm tàng nào của tổ chức khủng bố này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, khả năng chiếm ưu thế của Bashar al-Assad ở Syria trong cuộc nội chiến cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của Iran và trên chiến trường là IRGC.

Vì IRGC được cho là có quyền kiểm soát hầu hết các lĩnh vực quan trọng ở Iran như ngân hàng, tài chính, năng lượng, khí đốt, bưu chính viễn thông và bất động sản, Mỹ hy vọng làm suy yếu và hạn chế các nguồn thu tài chính của IRGC thông qua các biện pháp trừng phạt. Những trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu quả như thế nào vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Trong một hành động mang nặng tính tượng trưng, Iran đã trả đũa và tuyên bố Bộ Chỉ huy trung ương Mỹ, phụ trách về khu vực Trung Đông, là một tổ chức khủng bố. Đây không phải là mối đe dọa cấp bách đối với các nguồn lực của Mỹ ở Trung Đông.

Iran vẫn muốn coi mình như một quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và hành động gán ghép như vậy về cơ bản là để nhận sự ủng hộ ở trong nước. Do đó, việc Mỹ liệt IRGC và Iran coi Bộ chỉ huy trung ương Mỹ như các thực thể khủng bố chỉ là trò chơi chiến tranh tâm lý mà sau này nó sẽ tiếp tục diễn ra ở Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục