Ngày 9/2, tại Hà Nội, Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo Tổng kết công tác triển khai dự án và kết quả nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm dioxin.
Phát biểu tại Hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Kế Sơn, Giám đốc Dự án cho biết Dự án được thực hiện từ (2008-2014) với mục tiêu xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trong lĩnh vực phân tích và đánh giá rủi ro tới sức khỏe của các chất ô nhiễm, trọng tâm là dioxin và các hợp chất liên quan, đồng thời phát triển phòng thí nghiệm trở thành một trong những phòng thí nghiệm hàng đầu ở Việt Nam và Đông Nam Á trong lĩnh vực phân tích, nghiên cứu về dioxin và các hợp chất liên quan.
Trong đó, năng lực phân tích và đánh giá các chất ô nhiễm trong môi trường và thực phẩm có nguồn gốc từ dioxin và các chất ô nhiễm hữu cơ chậm phân hủy (POPs) khác; năng lực đánh giá từ sự phơi nhiễm từ dioxin tới con người trong cộng đồng dân cư có khả năng nhiễm cao; năng lực đánh giá ảnh hưởng dioxin tới con người; tăng cường khả năng phân tích và hỗ trợ các cơ quan chức năng thực hiện công ước Stockholm về các chất POPs; năng lực đánh giá và kiểm soát dioxin và các hợp chất liên quan trong thực phẩm xuất nhập khẩu tại Việt Nam…
Phân tích dioxin là một công việc rất phức tạp, bởi chúng tồn tại ở môi trường nồng độ cực kỳ thấp và nhiều cấu tử cấu trúc phức tạp tương tự nhau.
Để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam cũng như thực hiện công ước Stockholm, Việt Nam cần các phòng thí nghiệm hiện đại có khả năng phân tích AO/dioxin cũng như các chất POPs khác đạt độ chính xác cao theo tiêu chuẩn quốc tế
Cho đến nay, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu phân tích ô nhiễm dioxin, nhưng công tác phân tích này tại các phòng thí nghiệm ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, như các nhà khoa học làm thí nghiệm, phân tích đã cao tuổi trong khi đội ngũ trẻ chưa đủ khả năng để thay thế.
Để nâng cao hoạt động phân tích thí nghiệm, cần tiếp tục đầu tư thêm các thiết bị hiện đại phục vụ cho việc lấy mẫu, lưu mẫu lâu dài và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu-phó giáo sư-tiến sỹ Lê Kế Sơn nhấn mạnh.
Theo tiến sỹ Nguyễn Hùng Minh, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực dioxin tại Việt Nam, hiện nay các phòng thí nghiệm phân tích dioxin tại Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc ứng dụng công nghệ mới, như Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga thuộc Tổng cục Môi trường; Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm Thành phố Hồ Chí Minh.
Hầu hết các thiết bị được mua và lắp đặt theo các quy trình chuẩn, có khả năng phân tích các mẫu môi trường (nước, đất, trầm tích và không khí), mẫu động vật (thịt, cá, trứng), mẫu người (máu, sữa mẹ)…vận hành phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005, đồng thời có sự phối hợp với nhiều phòng thí nghiệm quốc tế.
Trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải hơn 18,2 triệu gallon chất độc da cam với thành phần chứa dioxin xuống hơn 10% diện tích đất ở miền Nam Việt Nam, làm nhiễm độc và tàn phá hàng triệu ha rừng và đất nông nghiệp.
Các chuyên gia cho rằng ngoài tác hại cho môi trường, hóa chất này còn gây hậu quả trầm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người Việt, thậm chí tới các thế hệ sinh ra sau chiến tranh.
Ước tính hiện có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, sống tập trung tại các tỉnh dọc đường Trường Sơn và biên giới với Campuchia. Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng của chất độc da cam./.