Trường Sa, vùng đất thiêng liêng giữa biển trời không chỉ là nơi đồn trú, bảo vệ hải phần của người lính biển qua hàng thế kỷ; đó còn là quê hương, nơi có bao em nhỏ cất tiếng khóc chào đời, nơi tình yêu lớn lên bằng niềm tự hào dân tộc Việt Nam.
Đến với Trường Sa hôm nay, ít ai ngờ rằng, nơi đây mỗi năm có tới 131 ngày bão và mỗi tháng có từ 13-20 ngày gió mạnh. Nhưng dẫu có sóng to, gió lớn đến nhường nào thì sức sống vẫn luôn căng đầy ở nơi đầu sóng.
[Sức sống xanh trường tồn nơi ''đầu sóng ngọn gió'' Trường Sa]
Trên khắp đảo nổi, đảo chìm của quần đảo Trường Sa, đâu đâu cũng hiện ra một màu xanh biếc. Đó là xanh của sức sống, của niềm tin và hy vọng. Dưới những tán bàng vuông, cây phong ba, bão táp, người dân ngồi chuyện trò rôm rả, những vườn rau xanh mướt, từng đàn lợn, gà say sưa giấc ngủ. Tất cả những hình ảnh bình yên ấy nhìn chẳng khắc gì bức tranh thôn quê đầy sức sống.
Dù gian khổ, thiên tai khắc nghiệt, nhưng sức sống ở Trường Sa ngày càng mãnh liệt, và cùng chung nhịp đập của triệu triệu trái tim hướng tới biển đảo thân yêu.
Hàng ngày, ngoài nhiệm vụ canh giữ vùng trời, vùng biển, người lính hải quân còn tăng gia sản xuất, chắt chiu giọt nước ngọt, dành thời gian chăm trồng các loại rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt cá, tự túc một phần thực phẩm tươi sống.
Nếu như trong đất liền, trồng rau là chuyện quá đỗi bình thường thì ở giữa biển cả mênh mông chỉ có cát biển, nắng, gió và san hô, nước ngọt “quý như vàng” thì việc có những vườn rau xanh tốt tươi quanh năm trên đảo, quả thật là chuyện phi thường. Thực tế, để có được màu xanh của rau tươi trên đảo, cách trồng rau cũng mang đặc trưng riêng khác nhau tùy theo yếu tố “chìm,” “nổi” của từng đảo.
Ấy vậy mà có những đảo như An Bang, Sinh Tồn Đông, mỗi năm vẫn thu hoạch được hơn 6 tấn rau xanh các loại, qua đó đảm bảo bộ đội trên đảo luôn được ăn rau xanh 3 bữa mỗi ngày.../.