Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 9%

Theo thông báo của Ngân hàng trung ương, Nga sắp đạt được mục tiêu tỷ lệ lạm phát và hoạt động kinh tế sẽ được phục hồi nên nước này sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ "thắt chặt vừa phải."
Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 9% ảnh 1Thực phẩm được bày bán tại một khu chợ ở Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/6, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản trong sáu tháng cuối năm nay, từ mức 9,25% xuống 9%.

Theo thông báo của Ngân hàng trung ương, Nga sắp đạt được mục tiêu tỷ lệ lạm phát và hoạt động kinh tế sẽ được phục hồi. Nguy cơ lạm phát đã giảm trong ngắn hạn, trong khi vẫn duy trì trong trung hạn. Do đó, Ngân hàng trung ương Nga sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ "thắt chặt vừa phải" nhằm kiềm chế lạm phát, hướng đến mục tiêu 4% mà chính phủ đưa ra.

[Tổng thống Putin: Kinh tế Nga bước sang giai đoạn tăng trưởng]

Sau khi Ngân hàng trung ương Nga công bố quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản trên, giá trị đồng nội tệ (ruble) Nga tăng nhẹ so với đồng USD và euro. Theo đó, 57,56 ruble đổi được 1 USD, tăng từ mức 57,69 ruble/1 USD, trong khi 64,37 ruble đổi được 1 euro, tăng so với tỷ lệ 64,46/1euro.

Ngân hàng trung ương Nga cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm nay lên 1,3-1,8% từ mức 1-1,5%, đồng thời nhận định hoạt động kinh tế tiếp tục được phục hồi.

Trước đó, trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân lần thứ 15 diễn ra hôm 15/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặc biệt chú trọng lĩnh vực kinh tế.

Ông khẳng định nền kinh tế Nga đã vượt qua giai đoạn suy thoái và bước sang thời kỳ tăng trưởng với nhiều tín hiệu tích cực. Kinh tế Nga đã đạt tăng trưởng trong ba quý liên tiếp và trong bốn tháng đầu năm nay.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây dù có gây tác động tiêu cực nhưng lại tạo ra động lực để nền kinh tế Nga phát huy tối đa nội lực, hàng hóa sản xuất trong nước có cơ hội nâng cao chất lượng thay thế hàng nhập khẩu. Nền kinh tế đã đạt những thành công trong đa dạng hóa các lĩnh vực then chốt, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt, tìm kiếm các thị trường mới cho hàng hóa trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục