Ngành du lịch Đông Nam Á cần 1-2 năm để phục hồi về mức trước đại dịch

Các nước Đông Nam Á cần tích cực khai thác phân khúc du lịch giáo dục và du lịch trong nước, cũng như khám phá “bong bóng du lịch ASEAN” để bù đắp khoảng trống lớn do khách du lịch Trung Quốc để lại.
Ngành du lịch Đông Nam Á cần 1-2 năm để phục hồi về mức trước đại dịch ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 11/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, các nước Đông Nam Á đã lần lượt mở cửa biên giới để hồi sinh ngành du lịch, tuy nhiên nguồn khách du lịch quan trọng là Trung Quốc đến nay vẫn phong tỏa.

Thời gian tới, các nước Đông Nam Á cần tích cực khai thác phân khúc du lịch giáo dục và du lịch trong nước, cũng như khám phá “bong bóng du lịch ASEAN” để bù đắp khoảng trống lớn do khách du lịch Trung Quốc để lại.

Chuyên viên nghiên cứu cao cấp Jayant Menon của Chương trình nghiên cứu kinh tế khu vực thuộc Viện nghiên cứu Yusof Ishak (ISEAS) của Singapore dự báo, ngành du lịch Đông Nam Á có thể phải mất ít nhất 1-2 năm mới có thể hồi phục về mức trước khi xảy ra đại dịch.

Chuyên gia này cho rằng hiện nay mọi người vẫn có còn do dự trong việc đi du lịch nước ngoài. Nguyên nhân chủ yếu là dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, cũng như xung đột Nga-Ukraine bùng nổ và giá cả leo thang.

[Thái Lan bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR đối với du khách từ tháng 5]

Ngoài ra, việc Trung Quốc chưa mở cửa biên giới khiến cho hoạt động du lịch nước ngoài của người Trung Quốc giảm mạnh cũng là một nhân tố quan trọng kéo chậm tốc độ phục hồi du lịch của khu vực.

Theo “Niên giám thống kê ASEAN 2021,” năm 2019 có 32,28 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc nhập cảnh vào các nước ASEAN.

Trong năm này, Trung Quốc là quốc gia xếp top 3 về lượng khách du lịch nhập cảnh vào 10 nước ASEAN, đồng thời đứng đầu bảng xếp hạng khách du lịch quốc tế của Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.

Lạc Minh Huy, trợ lý giáo sư về chính sách công và các vấn đề toàn cầu của Đại học Công nghệ Nanyang, cho rằng năm 2022 là một năm rất quan trọng đối với đời sống chính trị của Trung Quốc, khó có khả năng Trung Quốc sẽ đột ngột thay đổi chính sách "Không COVID" (Zero COVID) để mở cửa biên giới.

Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ ưu tiên duy trì sự ổn định và giữ nguyên hiện trạng, nếu bởi việc kết thúc chính sách “Zero COVID” sớm có thể sẽ bị coi là thừa nhận sai lầm về chính sách.

Ngay cả khi Trung Quốc mở cửa biên giới trong năm nay, thì cũng phải đợi đến sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào cuối năm.

Chuyên gia Jayant Menon cũng đồng ý cho rằng Trung Quốc sẽ không ngay lập tức từ bỏ chính sách phòng dịch kiên trì lâu nay, mà sẽ từng bước nới lỏng hạn chế biên giới, sẽ không mở rộng cửa biên giới để mang lại lượng khách du lịch lớn cho khu vực.

Trước khi khách du lịch Trung Quốc quay trở lại, các nước ASEAN cần phải tìm nguồn thu từ các phân khúc du lịch khác.

Khai thác tiềm năng thị trường du lịch ASEAN

Melinda Martinus, nghiên cứu viên chính của ISEAS (Singapore), nhấn mạnh dân số ASEAN có tiềm năng trở thành nhóm du khách của thị trường du lịch toàn cầu, do đó các nước nên tìm cách thu hút du khách của khu vực này, đặc biệt là thu hút khách du lịch trẻ thông qua mở rộng lĩnh vực du lịch giáo dục.

Theo bà Melinda Martinus, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 của 10 nước ASEAN tương đương với nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, đồng thời có triển vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030. Ngoài ra, dân số ASEAN tương đối trẻ, khoảng 60% dân số chưa đến 35 tuổi. Cùng với kinh tế khu vực tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, lớp trẻ này sẽ quốc tế hóa hơn, họ muốn hội nhập quốc tế, ra nước ngoài thường xuyên hơn so với bố mẹ mình, đồng thời thành thạo công nghệ mới.

Du lịch giáo dục là chỉ sự kết hợp giữa học tập và du lịch, giúp du khách học tập ngôn ngữ, tham gia các hội nghị học thuật, làm tình nguyện viên hoặc đến các công ty địa phương thực tập trong thời gian du lịch.

Báo cáo do Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường toàn cầu Future Market Insights công bố vào tháng 9/2021 ước tính, giai đoạn 2021-2030, thị trường du lịch giáo dục toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 17,2%, và quy mô thị trường du lịch giáo dục năm 2021 ước tính đã trên 399,8 tỷ USD.

Bên cạnh du lịch giáo dục, các chuyên gia cho rằng du lịch chữa bệnh, khu lịch khu vực và du lịch trong nước cũng cần thúc đẩy phát triển hơn nữa. Trong số đó, một số nước đã bắt đầu quan tâm đến du lịch trong nước, xu hướng này được cho là sẽ kéo dài trong một thời gian tương đối dài.

Chuyên gia Jayant Menon phân tích nhấn mạnh, ngành du lịch chịu cú sốc lớn trong thời gian phong tỏa biên giới, do đó một số nước Đông Nam Á bắt đầu chuyển sang thúc đẩy rộng rãi du lịch trong nước để tìm cách bù đắp sự thiếu hụt khách du lịch.

Ngoài ra, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, nên mọi người không muốn đi du lịch đến các nơi quá xa, cộng thêm việc cân nhắc về chi phí du lịch đã khiến cho du lịch trong nước trở thành lựa chọn không thể tốt hơn.

Đặc biệt, giá dầu tăng mạnh gần đây có thể ảnh hưởng đến giá vé máy bay của các chuyến đi dài trong thời gian tới, đối với những du khách có ngân sách hạn hẹp, họ sẽ có khuynh hướng chuyển sang du lịch trong nước.

Du lịch trong nước và khu vực nhiều khả năng sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong việc hoạch định chính sách du lịch của các nước thời gian tới, có lẽ điều này cũng sẽ trở thành một trạng thái bình thường mới.

Thống nhất quy định kiểm dịch, tạo ra “bong bóng du lịch Đông Nam Á”

 Bên cạnh phát triển các lĩnh vực du lịch mới, việc các nước Đông Nam Á có thể thống nhất quy định kiểm dịch xuất/nhập cảnh hay không đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi du lịch khu vực.

Theo chuyên gia Jayant Menon, Đông Nam Á nên tính toán hợp tác thúc đẩy toàn khu vực như một điểm đến du lịch, đồng thời xây dựng một khuôn khổ hành lang du lịch khu vực, thống nhất yêu cầu xuất/nhập cảnh, chẳng hạn liệt kê những loại vaccine được chấp nhận, thời gian tiêm chủng, xét nghiệm virus bắt buộc…

Thông qua tạo ra bong bóng du lịch Đông Nam Á, cho phép du khách sau khi nhập cảnh vào một quốc gia có thể thoải mái đến các nước khác trong khu vực.

Điều này không chỉ có lợi cho việc giảm bớt tâm lý ngần ngại của mọi người đối với du lịch, mà đồng thời có thể thu hút khách du lịch của các nước thu nhập cao khác, đẩy nhanh tốc độ phục hồi của ngành du lịch.

Theo Công ty phân tích dữ liệu du lịch Forward Keys, phân bổ khách du lịch của Đông Nam Á hiện nay đã có sự thay đổi, từ đầu năm đến nay có khoảng 1/3 khách du lịch đến từ châu Âu, cao hơn mức 22% của năm 2017, trong khi khách du lịch đến từ châu Á là 24%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 57% của năm 2019.

Chuyên gia Jayant Menon chia sẻ rằng khoảng trống khách du lịch Trung Quốc để lại rất lớn, tạo ra bong bóng du lịch khu vực chỉ có thể bù đắp 20-30% khoảng trống khách du lịch Trung Quốc để lại, nhưng điều này cũng đã phát huy tác dụng.

Vào cuối tháng Ba, khi các quan chức y tế của các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tham dự hội nghị cấp cao tại Indonesia, họ đã đồng ý áp dụng nền tảng website thống nhất để xác nhận giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 và kết quả xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế xuất/nhập cảnh.

Bộ trưởng Y tế Indonesia nhấn mạnh Indonesia đã bắt đầu thảo luận với ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) để hài hòa quy định y tế du lịch giữa hai khu vực này.

Tuy nhiên, người phụ trách bộ phận công nghệ y tế kỹ thuật số của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, mặc dù việc hài hòa các quy định về y tế du lịch rất quan trọng, nhưng vẫn tồn tại thách thức trong quá trình tổ chức thực hiện, bởi vì có một lượng lớn các loại chứng nhận đang phát hành nhưng lại không tương thích với nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục