Ngọc Ký như "ngọc" ẩn giấu trong album "Trở về quê hương"

Sở hữu giọng hát đẹp trời cho, Ngọc Ký hát khiến người nghe như thấy cả quê hương, ngân nga và trìu mến. Dẫu đỉnh cao chưa chạm tới, song càng nghe Ngọc Ký hát, càng thấy khả năng lớn đang tiềm tàng.
Ngọc Ký như "ngọc" ẩn giấu trong album "Trở về quê hương" ảnh 1Ngọc Ký. (Ảnh: Quang Long)

Ra mắt album Vol.5 “Trở về quê hương” chiều 6/6 tại Hà Nội, Ngọc Ký – Người được xem là “hiện tượng” Sao Mai 2009, càng cho thấy sự tiềm tàng trong giọng hát, như viên ngọc quý còn ẩn trong dòng nhạc trữ tình dân gian.

​Từ khi có cuộc thi Sao Mai, “lò luyện” này sau mỗi mùa lại góp phần sản sinh ra một lứa ca sỹ theo phong cách âm hưởng dân gian. Thậm chí, việc có quá nhiều ca sỹ theo đuổi phong cách này, đặc biệt là giọng ca nữ khiến một thời gian dòng nhạc mang âm hưởng dân gian có hiện tượng “âm thịnh” và trở thành mốt.

Vậy nên, ngoài Trọng Tấn, Ngọc Ký chính là giọng nam hát nhạc mang âm hưởng dân gian nổi bật, vào hàng hiếm sau này.

Sở hữu giọng hát đẹp trời cho, mềm ấm, vang sáng, trữ tình, Ngọc Ký hát khiến người nghe như thấy cả quê hương, ngân nga và trìu mến. Dẫu đỉnh cao chưa chạm tới, song càng nghe Ngọc Ký hát, càng thấy khả năng lớn đang tiềm tàng, sẵn sàng bộc lộ và tỏa sáng bất cứ lúc nào. 

Âm sắc tiếng hát của Ngọc Ký nếu nghe qua có thể sẽ bị lầm tưởng, bởi phảng phất chút gì đó của Trọng Tấn. Nghe lâu và kỹ, mới thấy sự na ná đó chỉ là ngẫu nhiên về màu giọng. Mặt khác, cũng sẽ phát hiện ra giọng hát Ngọc Ký bùi và đậm đặc màu dân gian hơn.

Album gồm 11 bài về chủ đề quê hương, với phần đầu tư hình ảnh cũng như phối khí chỉ dừng lại ở sự mộc mạc, nhẹ nhàng, không cầu kỳ lớp lang, một mặt gây cảm giác có chút “tì vết” về mặt thị giác, mặt khác, để Ngọc Ký hoàn toàn khoe hết chất giọng đẹp vốn quý, trở thành tâm điểm.

Ngọc Ký như "ngọc" ẩn giấu trong album "Trở về quê hương" ảnh 2Hình ảnh album Vol.5 'Trở về quê hương' của Ngọc Ký. (Ảnh: Cẩm Thơ)

Ngọc Ký bộc bạch, đã theo nghiệp mang tiếng hát làm đẹp cho đời, mỗi người nghệ sỹ đều có những nỗi niềm, đau đáu riêng. Với Ngọc Ký, hát về quê hương chính là nguồn cảm hứng chất chứa nhất.

11 ca khúc cũng chính là những góc cảm xúc Ngọc Ký dành cho quê hương. Hay, cũng có thể nói, đó là những “chương” trong một câu chuyện âm nhạc xuyên suốt mà Ngọc Ký là người kể, dẫn dắt người nghe về với miền ký ức thân thương đã xa.

Khởi từ khát khao của một người con xa quê “Trở về” đến những xốn xang rạo rực khi đặt chân “Về quê” được nhìn thấy hình hài quen thuộc, những câu chuyện đầy hào hứng, nói mãi, nghe mãi mà không chán về “Quê hương tôi” về “Chuyện làng tôi.” Từ tình yêu quê hương, làng xóm, đến chút xao xuyến trong “Lời hẹn tình quê” rồi “Trở về dòng sông tuổi thơ” để đắm mình trong hoài niệm xưa cũ, với những lời ca đậm chất đồng dao trong “Chuồn chuồn bay thấp” mà ngày xa xưa…

Ngoài những bài hát đã nổi tiếng như “Quê hương,” “Trở về,” “Về quê”… Ngọc Ký còn thành công khi chuyển tải những ca khúc mới viết về chính nơi chôn nhau cắt rốn – “Em có về Nam Trực quê anh” của nhạc sỹ Thanh Hà và “Nam Định mình ơi” (Sáng tác: Nguyễn Tiến).

Ngọc Ký bảo, “Em có về Nam Trực quê anh” được chính một người con Nam Định viết. Không chỉ được sáng tác và hát bởi những người con quê hương, bài hát này còn được phối khí cũng bởi tinh hoa miền đất này.

Ngọc Ký như "ngọc" ẩn giấu trong album "Trở về quê hương" ảnh 3Tấn Minh- Người anh trong nghề, cùng quê Nam Định đến chúc mừng Ngọc Ký. (Ảnh: Quang Long)

“Nam Định mình ơi” cũng là ca khúc thú vị qua tiếng hát Ngọc Ký. Bài hát này từng được thể hiện bởi nhiều ca sỹ như Kim Tiến, Triệu Trang, Hạ Vân… nay được Ngọc Ký làm mới đậm đặc và thuần chất gian gian Bắc Bộ theo phong cách ca trù.

Chất trữ tình, mộc mạc mà thơ thới trong giọng hát khiến Ngọc Ký khi hát những ca khúc có “màu sắc” riêng tư cá nhân như về quê hương Nam Định thì vẫn đầy ẩn ức và xúc cảm. Ngọc Ký hát về Nam Định quê hương anh nhưng người nghe như đang thấy chính quê hương mình.

“Nam Định mình ơi… Hoa xoan rơi trắng đường quê. Nhớ đêm hội chèo, nhớ chợ Viềng mùng Tám. Nhớ nắng biển quê em, nhớ đồng lúa chín vàng… Nam Định mình ơi… Nôn nao nỗi nhớ, nghe tiếng còi tầm.Chia tay đêm Vị Xuyên, mưa giăng đầy phố nhỏ. Ai đợi người đi xa, nơi bến xưa. Thoảng nghe tiếng hát văn não lòng.”

Có lẽ, chính mối nhân duyên trong âm nhạc, những ẩn ức quê hương được hội tụ, cũng như sự cầu toàn của Ngọc Ký trong tinh thần âm nhạc của đĩa này đã khiến những giai điệu cất lên vừa như lạ, như quen, vừa đậm đầy tình yêu quê hương, xứ sở, lập tức chiếm được cảm tình ngay từ lần nghe đầu tiên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục