Những siêu thị ế hàng, bàn ăn của người dân vắng bóng và các nhà sản xuất lo ngại.
Đó là những gì đang diễn ra vào thời điểm hiện tại ở Italy, khi lượng thịt đỏ và các sản phẩm khác như salami, các loại thịt hun khói, xúc xích và thịt chế biến sẵn cho việc nướng giảm sút đáng kể, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố rằng, thịt đỏ và sản phẩm từ thịt đỏ có khả năng gây ung thư.
Mặc dù các quan chức y tế, nông nghiệp và một số tổ chức bảo vệ người tiêu dùng Italy đã khẳng định rằng, các sản phẩm thịt đỏ của Italy không giàu chất béo, có chất lượng tốt và không gây ung thư, nhưng cảnh báo trên đã khiến người tiêu dùng lo ngại.
Số liệu thống kê mà Hiệp hội các nhà sản xuất thịt bò và salami Italy (Assica) mới công bố cho thấy, trong tuần đầu tiên kể từ khi WHO đưa ra công bố trên (từ 26/10 đến 1/12), tổng lượng tiêu thụ thịt đỏ và các loại sản phẩm liên quan đã giảm 8,7%.
Trong các sản phẩm liên quan, tiêu thụ xúc xích giảm nhiều nhất, 17%, salami giảm 9,8%, thịt bò tươi giảm 6,8%. Trong khi đó, lượng thịt bò tồn trong các siêu thị tăng 14,8%.
Theo Assica, thiệt hại trong tuần đó của riêng kênh phân phối hiện đại (siêu thị và đại siêu thị) đã lên tới 16 triệu euro.
Assica cho rằng, về lâu về dài, nếu không có biện pháp nào để "xốc" lại thị trường, ngành chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm chăn nuôi của Italy sẽ thiệt hại nặng nề.
Thịt đỏ và các sản phẩm liên quan là một trong những dòng thương mại quan trọng trên thị trường Italy.
Từ tháng Một đến tháng 10-2015, tức là trước khi cảnh báo của WHO được đưa ra, doanh thu từ thị trường này đạt 8 tỷ euro.
Nỗi lo ngại trước cảnh báo của WHO đã dẫn đến một hệ quả khác: lượng tiêu thụ thịt trắng đã tăng 3,4%, cho thấy người tiêu dùng chuyển sang ăn các loại thịt này hơn.
Tuy nhiên, theo nhật báo kinh tế-tài chính Italy Il Sole 24 Ore, lượng tiêu thụ này vẫn chưa cao như mong đợi, cho thấy người tiêu dùng vẫn đang nghe ngóng các động tĩnh tiếp theo của WHO để quyết định xem có nên bỏ hẳn thịt đỏ để ăn thịt trắng hay không.
Việc cảnh báo của WHO có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Italy hay không (doanh thu 1,35 tỷ euro năm ngoái) cũng là vấn đề được các nhà sản xuất và phân phối quan tâm.
Theo ông Vittore Beretta, chủ tịch tập đoàn chế biến thực phẩm Beretta, hiện chưa ghi nhận sự sụt giảm trong xuất khẩu, "có lẽ là do các đơn hàng đã được đặt từ trước," nhưng ngành xuất khẩu salami và các loại xúc xích Italy sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo các điều tra của Hiệp hội những người làm nông nghiệp Italy, người dân nước này tiêu thụ thịt đỏ và các loại xúc xích, thịt hun khói trung bình 20 đến 25 gram mỗi ngày, thấp hơn nhiều các nước khác.
Do đó, theo tổ chức này, nguy cơ ăn thịt đỏ bị ung thư như cảnh báo của WHO ở Italy không cao./.