Nguyên Tư lệnh PKKQ nói về cách chiến đấu độc đáo của MiG-21 Việt Nam

Nhìn thấy sự thiếu hiệu quả khi áp dụng cách đánh của MiG-17 cho MiG-21, cán bộ chỉ huy của lực lượng không quân Việt Nam sáng tạo ra chiến thuật theo sát và lượn vòng ra xa để đánh chặn máy bay địch.

"Các nước theo xã hội chủ nghĩa như Cuba, khối Arab... cũng dùng MiG-21 chiến đấu nhưng không thành công. Riêng không quân Việt Nam thì sử dụng chiếc tiêm kích này thành công."

Đó là nhận định của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, cũng là một phi công "Ace" của Việt Nam từng lái chiếc MiG-21.

Tại Việt Nam, có hai chiếc máy bay được vinh danh là bảo vật quốc gia. Cả hai chiếc đều là tiêm kích MiG-21. Đây là chiến đấu cơ hạng nhẹ do Liên xô chế tạo trong thập niên 1950, được sử dụng tại hơn 50 quốc gia trên 4 lục địa và được đánh giá là chiến đấu cơ thành công nhất trong Chiến tranh Lạnh.

Thế nhưng chỉ tại Việt Nam, MiG-21 mới tạo được những kỷ lục quân sự. Đó là lần đầu tiên trên thế giới có phi công MiG-21 bắn rơi máy bay trinh sát EB-66, phi công Việt Nam - Nguyễn Văn Cốc - bắn rơi 9 máy bay Mỹ bằng MiG-21 và lần đầu tiên MiG-21 bắn hỏng "pháo đài bay" B52.

Trong 12 ngày đêm lịch sử của chiến dịch Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, hai phi công Phạm Tuân và Vũ Xuân Thiều cũng đã hạ được hai chiếc B52 khác.

Thành công ấy đến từ sự mưu trí, quả cảm và đặc biệt là cách chiến đấu đặc biệt chỉ có ở Việt Nam.

['Từ mặt đất đến bầu trời': Chân dung 108 phi công chiến đấu Việt Nam]

"Ban đầu MiG-17 đánh nhau tốt. Cách đánh của MiG-17 là đánh vòng tròn trên đỉnh sân bay. MiG-21 sinh ra để đánh chặn, tức cất cánh, đánh từ xa nên ban đầu mình gặp khó khăn vì đánh theo kiểu MiG-17," Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ.

Ông cho biết vào năm 1966, khi được nhập về Việt Nam, tiêm kích MiG-21 đã được áp dụng cùng chiến thuật từng được áp dụng cho MiG-17. Tuy nhiên, vì tính năng vòng tròn tại chỗ ở độ cao thấp của MiG-21 thua F4 của Mỹ (đối thủ trực tiếp của MiG-21) nên cứ đánh là rơi.

Trung tướng diễn giải: "Sau đó nửa năm, cán bộ chỉ huy của bên mình nghĩ ra cách đánh. Đó là phải theo sát máy bay địch từ khi chúng vừa ra cất cánh từ căn cứ quân sự ở Thái Lan đến biên giới Thái-Lào. Ra-đa [không quân] của ta phát hiện được thông tin thì cho máy bay cất cánh.

Mình gặp địch ở vùng Sơn La, Mộc Châu, Điện Biên rồi đánh tiếp vào đến Hòa Bình. Địch bị bất ngờ, đội hình lại đang đi ổn định, kết quả là mình đánh rất tốt. Đó là cách mà không quân mình nghĩ ra, [phi công MiG-21] không bật ra-đa lên, mà tìm cách dẫn để máy bay địch đi bên cạnh rồi máy bay ta vòng qua tấn công."

Với cách đánh ấn tượng, sáng tạo và đặc trưng, Trung tướng Nguyễn Đức Soát cũng cho rằng nên có một bộ phim tài liệu dành riêng về máy bay MiG-21 của Việt Nam. "Việt Nam đánh được không quân Mỹ và phía Mỹ cũng rất nể phi công MiG-21 của chúng ta," ông kết luận./.

(Vietnam+)