Nhạc sĩ Nguyên Lê: Nghệ sỹ hiểu nhau qua tiếng đàn

Ông gọi âm nhạc của mình là "world jazz,” bởi cảm hứng đến với ông từ các giai điệu dân ca trên thế giới và đặc biệt là Việt Nam.

"Songs of freedom-Những bài ca của tự do," Nguyên Lê chọn cái tên đó cho đêm nhạc riêng của mình tại Hà Nội tháng 11 vừa qua. Đây cũng là cái tên toát lên bản chất âm nhạc của Nguyên Lê: Sự khoáng đạt, muôn màu trong giai điệu. Ông gọi âm nhạc của mình là "world jazz,” một cái tên riêng và mới, bởi nguồn cảm hứng đến với ông từ các giai điệu dân ca trên khắp thế giới và đặc biệt là dân ca quê nhà-Việt Nam.

Trong dịp cuối năm 2013, nhạc sĩ Nguyên Lê đã có những chia sẻ với VietnamPlus về chuyến hồi hương tháng 11 vừa rồi.


Thử thách người bạn thân Mỹ Linh

- Trong đêm nhạc "Songs of freedom" vừa qua, sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả trong đêm diễn hẳn đã khiến ông rất xúc động?


Nguyên Lê:
Tôi cảm thấy rất sung sướng khi nhận được những tình cảm nồng nhiệt của khán giả trong đêm diễn "Songs of freedom," điều đó càng trở nên đặc biệt và có ý nghĩa với tôi khi bản thân là Việt kiều trở về.

- “Songs of freedom” bất ngờ có sự góp mặt của ca sỹ Mỹ Linh, đây có phải là sự hợp tác của hai nghệ sỹ?

Nguyên Lê: Thực ra tôi và Mỹ Linh là bạn rất thân. Tôi đã có cơ hội hợp tác với Mỹ Linh năm 2011 và rất yêu thích giọng hát của cô ấy. Trong đêm diễn “Songs of freedom” tôi đã cố tình đẩy Mỹ Linh vào tình huống không có sự chuẩn bị trước. Đây là một sự ngẫu hứng của tôi đối với giọng hát của Mỹ Linh đồng thời là sự thử thách đối với cả tôi và Mỹ Linh nhưng thật tuyệt vời, sự ngẫu hứng đó đã rất thành công và chúng tôi đã có những xúc cảm phiêu đặc biệt.

Không phân biệt dân ca ba miền

- Từ bao giờ ông bắt đầu để ý đến âm nhạc truyền thống Việt Nam? Điều này ảnh hưởng đến phong cách âm nhạc của ông như thế nào?

Nguyên Lê: Tôi bắt đầu nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam từ năm 1996, cũng là lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam. Tôi nghiên cứu không theo sách vở. Khi được nghe những giai điệu âm nhạc truyền thống Việt Nam tôi đã được truyền những cảm hứng đặc biệt, lạ. Sau đó tôi đã nghiên cứu âm thanh của các nhạc khí cổ truyền như: đàn bầu, đàn tranh… và đưa vào thế giới nhạc jazz của mình.

Từ đó, tôi lấy cảm hứng để viết nên những bản nhạc gần gũi hơn với quê hương, với đồng bào. Đó là các tác phẩm jazz rất Việt Nam.

- Với ông, loại nhạc truyền thống nào dễ kết hợp nhất, có phải là giai điệu dân ca các miền?

Nguyên Lê: Lần đầu tiên khi tôi được tiếp xúc với âm nhạc cổ truyền, tôi không hề có ý niệm về việc phân định rõ đặc trưng, sự khác biệt của dân ca ba miền. Vào thời điểm tôi hợp tác với nghệ sỹ Hương Thanh để đưa chất cải lương vào jazz, tôi đã gửi cho cô ấy một sáng tác, nhưng Hương Thanh nói rằng cô không thể hát dân ca Bắc Bộ một cách hoàn hảo. Đó là lần tôi được giác ngộ về đặc trưng của dân ca ba miền và tôi đã phải nghiên cứu thêm để cảm nhận rõ điều này.

Nhạc sĩ Nguyên Lê: Nghệ sỹ hiểu nhau qua tiếng đàn ảnh 1"Cảm hứng âm nhạc của tôi có từ các làn điệu dân ca trên khắp thế giới." (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Âm nhạc không cần nói bằng lời

- Đã nhiều lần ông nói thấy tiếc và thậm chí thấy có lỗi khi mang trong mình dòng máu Việt nhưng lại ko thể nói tiếng mẹ đẻ. Nhưng dường như mọi thứ vẫn đang... dậm chân tại chỗ?

Nguyên Lê: Đó là điều mà tôi cảm thấy khó khăn nhất. Đặc biệt là mỗi lần trở về Việt Nam, khác biệt ngôn ngữ khiến tôi tiếc nuối. Thực sự, trở ngại lớn nhất hiện giờ khiến tôi khó có thể học tiếng Việt là tôi phải dành toàn bộ thời gian cho sáng tác âm nhạc, nghiên cứu âm nhạc và đi diễn ở khắp thế giới.

Thời gian vừa qua, khi tiếp xúc nhiều với các nghệ sỹ Việt Nam, khả năng tiếng Việt của tôi đã được cải thiện đáng kể, tôi có thể nghe và hiểu tương đối điều bạn đang nói nhưng để có thể viết và nói như bạn thì tôi chưa thể làm được. Tôi hy vọng trong thời gian tới, việc hợp tác trở lại Việt Nam sẽ là môi trường tốt để tôi tiếp tục chau dồi thêm vốn tiếng Việt.

- Điều đó có làm khó ông trong việc hiểu ý nghĩa của âm nhạc truyền thống Việt Nam?

Nguyên Lê: Rào cản ngôn ngữ thực tế không thể tạo khó khăn tuyệt đối bởi vì đã nói đến âm nhạc nghĩa là không cần nói bằng lời, những người nghệ sỹ chỉ cần cất tiếng đàn lên là đã đủ hiểu nhau rồi. Trở ngại ngôn ngữ là vấn đề khiến đôi khi tôi và các nghệ sỹ khác có lúc chưa hiểu ý nhau, nhưng không phải là vấn đề lớn.

- Âm nhạc của ông rất lạ, rất khác, ông đã lấy cảm hứng từ đâu để nuôi dưỡng điều đó?

Nguyên Lê: Nguồn cảm hứng của tôi đến mọi lúc mọi nơi, đến từ mọi thứ xung quanh. Đặc biệt là những giai điệu mới đến từ nhiều dân tộc như dân ca châu Phi, châu Á, châu Âu…

Tôi nghe các giai điệu đến từ nhiều châu lục, nhiều đất nước, tôi khao khát muốn kết hợp chúng, tạo nên những tác phẩm đa dạng về giai điệu mà lại mang thể thống nhất. Tôi muốn đưa nhiều nền văn hóa đến với nhau trong sáng tác âm nhạc. Do vậy, mỗi khi khám phá ra thêm một giai điệu nào mới nó lại là niềm cảm hứng mới thôi thúc tôi sáng tác, nghiên cứu, tìm tòi.

- Hợp tác với các nghệ sỹ Việt có ý nghĩa thế nào với ông?

Nguyên Lê: Lần đầu tiên tôi được khai sáng nhạc truyền thống Việt là nhờ sự hợp tác với nghệ sỹ Hương Thanh giúp. Sau đó là Mỹ Linh và Tùng Dương vào năm 2011. Mỗi lần hợp tác là mỗi bước tiến của tôi chạm tới gần hơn cái hồn của nhạc truyền thống Việt. Điều đó khiến tôi vô cùng hào hứng, có sự thôi thúc mãnh liệt để tiếp tục khám phá kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Năm nay, tôi đã hợp tác với Tùng Dương ra album “Độc đạo”. Sau Tùng Dương, tôi kỳ vọng thời gian tới sẽ được hợp tác với Mỹ Linh, vừa là người bạn thân vừa là giọng hát mà tôi yêu thích. Trong tháng 1 năm 2014, tôi sẽ triển khai dự án hợp tác âm nhạc với các nghệ sỹ biểu diễn xiếc. Tôi muốn thử kết hợp world music, jazz với biểu diễn.

Nhạc sĩ Nguyên Lê: Nghệ sỹ hiểu nhau qua tiếng đàn ảnh 2"Âm nhạc không cần nói bằng lời, chỉ cần cất tiếng đàn sẽ hiểu nhau." (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Âm nhạc đưa tôi đến với tình yêu

- Nhìn chặng đường ông đã trải qua, tôi tin âm nhạc chính là tình yêu lớn nhất cuộc đời ông. Nhưng tôi vẫn muốn biết, những cái xếp sau đó là gì?

Nguyên Lê: Cuộc đời của tôi là âm nhạc. Sau đó là gia đình và bạn bè tôi, những nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia, nhiều châu lục, mang đến cho tôi những giai điệu mới, nguồn cảm hứng mới.

- Ông muốn nói gì về người phụ nữ của mình?

Nguyên Lê: Tôi gặp người phụ nữ của đời mình cũng nhờ âm nhạc. Bà là người chơi đàn và đã từng chơi trong ban nhạc của tôi cũng như hợp tác với ca sỹ Hương Thanh. Nhưng về sau này, bà không còn tham gia nhiều nữa.

Lý do bà không còn tham gia nhiều vào các dự án âm nhạc một phần vì chăm lo cho gia đình, một phần vì tôi luôn thay đổi định hướng âm nhạc của mình. Đã 30 năm kể từ cuộc gặp gỡ đó, tình yêu của chúng tôi vẫn nguyên vẹn như ban đầu.

- Ông đặt tên cho âm nhạc của mình là gì?

Nguyên Lê: “World jazz,” vì world music và jazz là hai thể loại âm nhạc khác nhau, nhưng tôi muốn kết hợp hai thứ, tạo thành một thể loại âm nhạc của riêng mình, gọi là world jazz.

- Lần này trở về Việt Nam, ngoài Hà Nội, ông còn đến thăm những địa danh nào khác không?

Nguyên Lê: Đây là lần thứ 7 tôi trở lại Việt Nam và ngoài Hà Nội, tôi đã có chuyến thăm Hạ Long-một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới-cùng với ban nhạc. Thật tuyệt vời! Tôi đang lên kế hoạch để năm sau có cơ hội trở về quê nhà với những sản phẩm âm nhạc mới và sẽ dành thêm thời gian khám phá Việt Nam.

- Cảm ơn những chia sẻ của ông./.

Nguyên Lê tên thật là Lê Hồng Nguyên, sinh ngày 1/4/1959, tại Paris. Ông là con trai út của nhà sử học Lê Thành Khôi. Ông sống tại Pháp và tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác và Triết bằng luận văn về chủ nghĩa dị lãm (exoticism) nhưng ngay sau đó lại chuyển hẳn sang âm nhạc.

Nguyên Lê tự học jazz và chịu ảnh hưởng lớn từ các nghệ sỹ: John Scofield, Wes Montgomery, Django Reinhardt, Jimi Hendrix và Steve Vai. Nhạc cụ chính của ông là cây đàn guitare, kể cả guitare điện âm và ghi ta trầm.

Sau đó, ông lập nhóm Ultramarine để ra đĩa Dê và được báo Libération chọn là đĩa world music hay nhất năm 1989 tại Pháp. Ông đã phát hành nhiều đĩa nhạc; trong đó, ông thực hiện dự án “Tales From Việt Nam-Những câu chuyện từ Việt Nam” với dàn nhạc 8 người kết hợp âm hưởng jazz và nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngay lập tức, đĩa được các tạp chí âm nhạc quan trọng tại Đức, Pháp, Thụy Sĩ bầu chọn xuất sắc và giành được nhiều giải thưởng danh giá như: Diapason d’Or, Choc du Monde de la Musique, Choc de I’année Jazzman, hạng nhì Jazzthing 96…

Ông đã từng hợp tác với các nhạc sĩ nổi tiếng như Randy Brecker, Vince Mendozas, Eric Vloeimans, Carla Bley, and Michel Portal./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục