Nhạc sỹ Minh Đạo: Sáng tác theo công thức là tự đào huyệt chôn mình

Nhạc sỹ Minh Đạo thành danh ở hoạt động sáng tác, phối khí và chỉ huy dàn nhạc. Gần đây, anh đang dồn tâm sức cho vở nhạc kịch "Sóng," để tác phẩm nhạc kịch thuần Việt đầu tiên thực sự gây ấn tượng.
Nhạc sỹ Minh Đạo chia sẻ về vở nhạc kịch Sóng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhạc sỹ Minh Đạo chia sẻ về vở nhạc kịch Sóng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhạc sỹ Minh Đạo từng được giới chuyên môn đánh giá cao với vai trò phối khí trong các tác phẩm thanh xướng kịch chủ đề đất nước và Bác Hồ như “Đón Bác về Tây Nguyên,” “Đà Giang đại hợp xướng” hay hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi”

Gần đây, anh gây tiếng vang với vai trò phối khí và chỉ huy nhạc kịch “Sóng” về cuộc đời nhà thơ Xuân Quỳnh. Phóng viên VietnamPlus có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ trong những ngày anh “cắm chốt” ở Nhà hát Lớn Hà Nội để chuẩn bị ra mắt vở nhạc kịch thuần Việt đầu tiên vào ngày 18/3.

Giấu đàn, tập nhờ ở nhà bạn

- Với “Sóng” đậm trữ tình và đầy chất thơ, dường như anh đang khiến khán giả nhớ về chàng nghệ sỹ lãng tử của ban nhạc Hoa Sữa lừng lẫy một thời. Ngày đó, anh trở thành thành viên của Hoa Sữa như thế nào?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Thời học phổ thông, tôi chơi thân với cố nhạc sỹ Ngọc Châu, nghệ sỹ Ngọc Hưng (chơi trống)… Tôi biết chơi guitar, vậy là các anh ấy rủ rê vào ban nhạc. Năm 1987-1990 thì tôi chính thức tham gia. Chúng tôi đã “phủ sóng” khắp các sân khấu lớn nhỏ ở trong nước.

Lúc đó, các anh Đức Trịnh, Ngọc Khôi, Lương Minh, Vũ Quang Trung… đều trưởng thành từ Nhạc viện (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) còn tôi thì đang dạy học ở một trường kỹ thuật. Năm 1994, tôi quyết định nghỉ việc để thi vào nhạc viện. Năm 1998 thì tốt nghiệp khoa Sáng tác Lý luận Chỉ huy dưới sự hướng dẫn của giáo sư Chu Minh.

Nhạc sỹ Minh Đạo: Sáng tác theo công thức là tự đào huyệt chôn mình ảnh 1Nhạc sỹ tham gia vở 'Sóng' với vai trò chỉ huy dàn nhạc và 'âm nhạc hóa' các bài thơ của Xuân Quỳnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Gia đình anh không ai theo âm nhạc. Vậy việc anh gia nhập ban nhạc và chuyển ngành như vậy có bị phụ huynh phản đối không?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Bố tôi rất không thích khi thấy con trai đàn hát suốt ngày. Ông muốn tôi tập trung học hành. Năm lớp 11, tôi lấy tiền tiết kiệm mua đàn rồi đem giấu ở nhà bạn, mỗi khi tập cũng sang nhà bạn.

Việc tôi quyết định từ bỏ công việc ở trường dạy nghề cũng khiến bố tôi sốc. Vì lúc đó tôi đã được chọn vào biên chế - vị trí trong mơ của nhiều người. Tuy nhiên, sau này thì gia đình tôi lại ủng hộ. Khi quyết định thi vào nhạc viện, bố mẹ tôi cũng tán thành. Từ đó, nhà tôi trở thành địa điểm tập nhạc. Mọi người tập xong còn thường xuyên ăn cơm ở nhà tôi.

 - Hoạt động âm nhạc của anh bao gồm sáng tác, phối khí, sản xuất và chỉ huy dàn nhạc. Vậy, công việc nào mang lại cho anh niềm vui và nhiều cảm hứng nhất?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Thời gian công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, tôi học cách làm việc nhóm; học tư duy xây dựng, sản xuất chương trình sao cho chuyên nghiệp, nhịp nhàng; làm sao để dự án khả thi. Thời điểm đó, tôi làm biên tập âm nhạc cho chương trình “Chúng tôi không phải nhạc sỹ” – sân chơi của những người yêu nhac không chuyên và “Gặp gỡ nhạc sỹ tương lai” – nơi tôn vinh những nhà sáng tạo trẻ.

Về phần chỉ huy âm nhạc, tôi nhận thấy có thể mình chỉ huy không đẹp về mặt động tác nhưng lại đảm bảo hiệu quả truyền tải tinh thần tác phẩm vì tôi thường chỉ huy dàn nhạc biểu diễn tác phẩm do chính mình phối khí. Tôi cho rằng vai trò của nhạc trưởng không chỉ có đập nhịp mà quan trọng nhất là khâu dựng bài, sao cho các nhạc cụ không lấn lướt nhau, ngoài ra còn phải truyền tải được tinh thần, bầu không khí âm nhạc mà mình lĩnh hội được từ tác phẩm.

Bất cứ công việc nào tôi trải qua đều mang lại kinh nghiệm quý báu, không có gì là vô ích cả. Về mặt cá nhân, tôi thích khí nhạc nhất. Âm nhạc có hai phần là thanh nhạc và khí nhạc. Thanh nhạc là phần ca sỹ hát thành lời còn khí nhạc là phần âm thanh từ nhạc cụ. Từ những nốt nhạc trên giấy, tôi là người phối khí tức là để những nốt nhạc đó được vang lên từ nhạc cụ, để mọi người nhận diện được hình hài tác phẩm.

Nhạc sỹ Minh Đạo: Sáng tác theo công thức là tự đào huyệt chôn mình ảnh 2Một cảnh trong vở diễn 'Sóng.' (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Hơn 20 năm nay, anh là người phối khí cho hầu hết các tác phẩm của nhạc sỹ Nguyễn Cường và nhạc sỹ Trần Tiến. Là người khắc họa hình hài đầu tiên cho những đứa con tinh thần của hai nhạc sỹ nổi tiếng, anh có lúc nào bất đồng quan điểm với họ không?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Chúng tôi chưa từng bất đồng. Giống như các đàn anh trong ban nhạc Hoa Sữa, họ là những người thầy đã chỉ bảo tôi rất nhiều về tư duy âm nhạc. Họ là những người giỏi nhất ở dòng nhạc của mình, ở thế hệ của mình. Cả hai có kiến thức văn hóa nền rất sâu. Họ đọc nhiều, hiểu biết nhiều, giàu trải nghiệm đời sống và có sự khôn ngoan trong cách dùng ca từ nên tác phẩm của họ rất đẹp.

Tôi nghĩ chính tôi mới là người áp đặt ca khúc của họ. Ở vai trò phối khí, tôi tự do quyết định hình thù của tác phẩm, miễn là không đi ngược lại thông điệp của tác giả. Người sản xuất là người làm cho thông điệp đó vang lên một cách tối ưu theo quan điểm thẩm mỹ và khả năng tốt nhất mà người ấy có thể làm được.

Tác phẩm sẽ dẫn đường

- Trong số các tác phẩm của mình, ca khúc nào để lại cho anh cảm xúc sâu sắc nhất?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Kỷ niệm thì có nhiều. Nhưng tôi còn nhớ khi thu âm bài “Mẹ tôi” của nhạc sỹ Trần Tiến, cảm xúc về mẹ quá mạnh khiến nhạc sỹ không kết cấu được thành bài. Anh nói với tôi rằng anh không đủ lý trí để sắp xếp từng câu, từng đoạn. Rồi anh cứ hát lên để tôi thu âm lại.

Lần đầu tiên, mới hát được 2 câu, anh òa khóc như một đứa trẻ. Cứ như vậy, mất 3 ngày chúng tôi mới thu âm xong và ca khúc có hình hài như ngày nay. Tôi cũng rất xúc động. Đó là bài hát hay nhất về người mẹ mà tôi từng nghe.

- Công việc sáng tạo đôi lúc thường khiến người ta rơi vào bế tắc. Những lúc đó anh thường làm gì?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Đấy là chuyện bình thường, không có gì suôn sẻ dễ dàng. Có những bài tôi trăn trở nhiều ngày mới giải quyết được. Chẳng hạn như bài “Mưa bay tháp cổ” của nhạc sỹ Trần Tiến. Với ca khúc này, tôi là người đầu tiên nhận giải nhạc sỹ phối khí hay nhất tại chương trình Bài hát Việt 2005. Trước đó, tôi bế tắc với nó rất lâu. Cứ không nghĩ được gì thì lại để đấy, lấy xe máy phóng ra đường. Gió thổi mạnh khiến tôi như được “thông não.”

Hay như bài “Mái đình làng biển” của nhạc sỹ Nguyễn Cường, tôi đã thực hiện đến 5 bản thu, cho nhạc sỹ, ca sỹ Tùng Dương, Mỹ Linh, Ngọc Khuê và Hồ Quỳnh Hương. Mỗi bản đều phải khác nhau, phụ thuộc vào chất giọng từng ca sỹ và không gian mà họ biểu diễn.

[Khám phá thế giới nội tâm của nữ sỹ Xuân Quỳnh qua nhạc kịch 'Sóng']

Tôi tự đặt ra áp lực cho mình rằng mỗi tác phẩm mình làm ra đều phải có cái gì đó khác, nhưng vẫn phải nằm trong logic âm nhạc để người nghe chấp nhận được, là một hiện tượng đặc biệt nhưng vẫn phải hợp lý.

- Vậy anh có bí quyết nào để tìm cảm hứng và giải quyết áp lực trong công việc?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Sản xuất âm nhạc khác với việc sản xuất những thứ khác. Chẳng hạn một người thợ mộc tìm ra cách đóng một cái ghế sao cho nhanh nhất, tăng năng suất lên thì anh ta thành công. Nhưng với một người làm âm nhạc, khi tôi tìm ra công thức để sáng tác thì đó là lúc tôi tự đào huyệt chôn mình rồi. Mỗi tác phẩm phải đến với mình theo một cách khác nhau.

- Nhưng là một nhạc sỹ sáng tác chuyên nghệp thì không thể ngồi chờ cảm xúc?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Bạn nói đúng. Theo tôi, người chuyên nghiệp thì cứ làm, cảm xúc sẽ đến, người không chuyên thì cứ chờ có cảm xúc đến rồi mới làm. Tất nhiên, những người sáng tác không chuyên vẫn có những tác phẩm rất hay, rất cảm xúc nhưng ở đây, tôi muốn nói về cách làm. Tôi tự nhủ mình “cứ làm rồi tác phẩm sẽ lôi anh đi.”

Đó là sự khác nhau nhiều nhất giữa người chuyên nghiệp và không chuyên. Cảm hứng sáng tác sẽ đến từ rất nhiều điều được tích lũy từ trước đó. Theo những gì tôi được học, sáng tác là tổng hợp của nhiều bộ môn cơ sở như lịch sử âm nhạc, cấu trúc âm nhạc… tất nhiên là cả vốn sống nữa.

- Sau “Sóng,” anh có kế hoạch gì tiếp theo?

Nhạc sỹ Minh Đạo: Tôi vẫn ấp ủ sáng tác một tác phẩm hòa tấu về đất nước. Nước mình quá đẹp, Vịnh Hạ Long, Fansipan, Tây Nguyên… đi đến đâu tôi cũng thấy choáng ngợp về cảnh sắc non sông. Tôi nghĩ chỉ có khí nhạc mới phản ánh được hết vẻ đẹp đó.

- Xin cảm ơn nhạc sỹ!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục