Nhật Bản: Bệnh nhân tim, phổi giảm cùng thời điểm có thuốc lá làm nóng

Nghiên cứu ở Nhật Bản chỉ ra tỷ lệ nhập viện đã giảm đi đáng kể đối với các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính và tim mạch không thể cai thuốc lá nhưng chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng.
Nhật Bản: Bệnh nhân tim, phổi giảm cùng thời điểm có thuốc lá làm nóng ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Một nghiên cứu khoa học do Trung tâm dữ liệu y tế Nhật Bản (JMDC) được công bố trên tạp chí khoa học “Frontiers in Public Health” đã đưa ra kết quả tích cực về dữ liệu sức khỏe người dân sau khi thuốc lá làm nóng hiện diện tại quốc gia này.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ nhập viện đã giảm đi đáng kể đối với các bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính và tim mạch không thể cai thuốc lá nhưng đã chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng.

Số ca nhập viện giảm kỷ lục cùng thời điểm thuốc lá làm nóng được lưu hành

Cụ thể, nghiên cứu đã được tiến hành tại Nhật từ năm 2017-2022, cùng thời điểm mà thuốc lá làm nóng có mặt trên thị trường, trên 7,3 triệu bệnh nhân có hai bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá điếu là phổi tắc nghẽn mạn tính và bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Đối với bệnh bệnh tim thiếu máu cục bộ, tỷ lệ nhập viện từ 2017-2020 giảm từ 3% xuống khoảng 2,3%. Đây là cột mốc kỷ lục chưa từng có tại Nhật Bản.

[Thuốc lá thế hệ mới: Sản phẩm nào đang ảnh hưởng đến cộng đồng?]

Bên cạnh đó, tỷ lệ số ca nhập viện do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giảm từ 2,1% vào năm 2017 xuống dưới 1,8% vào năm 2020, gần như trở về thời kỳ 10 năm trước, tương đương với thời điểm số lượng bệnh nhân bị chẩn đoán ung thư phổi do khói thuốc tại Nhật vẫn còn rất hiếm.

Kết quả tích cực sau 8 năm cho phép thương mại hóa thuốc lá làm nóng tại Nhật Bản

Nhật Bản từng là quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau 8 năm cho phép thuốc lá làm nóng có mặt trên thị trường, lượng tiêu thụ thuốc lá điếu tại thị trường này đã giảm gần 44%, vượt xa mục tiêu 30% người hút thuốc cai bỏ thuốc lá do WHO đặt ra cho từng quốc gia.

Chia sẻ về quyết định cấp tiến cho phép thương mại hóa thuốc lá làm nóng của chính phủ Nhật, bác sỹ Hiroya Kumamaru cho biết Bộ Y tế Nhật Bản rất cẩn trọng đánh giá, xem xét và theo dõi tác động của các nhóm sản phẩm thuốc lá làm nóng suốt quá trình trước và sau khi cấp phép lưu hành vào thị trường. Đồng thời, Nhật Bản còn kết hợp từ nhiều nguồn tham khảo quốc tế trước khi ra quyết định quản lý các sản phẩm thay thế không khói thuốc như thuốc lá làm nóng.

Ngoài Nhật Bản, nhiều quốc gia trên toàn cầu đã cho phép thuốc lá làm nóng được lưu hành, quản lý quản lý dưới sự kiểm soát của pháp luật, trong đó kể đến các nước tiêu biểu như Mỹ, Anh, Canada, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Philippines...

Tại Mỹ, kể từ sau tháng 7/2020 một sản phẩm thuốc lá làm nóng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép kinh doanh như là "Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ" (MRTP) cùng với chỉ định "Giảm thiểu phơi nhiễm" với các chất có hại lên cơ thể.

Trong khi đó, ở Việt Nam các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá thế hệ mới) gồm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vẫn đang bị thả nổi, trục lợi bởi thị trường chợ đen.

Vấn nạn này đang dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực lên xã hội, cộng đồng, nhất là đối với một bộ phận thanh thiếu niên có hiện tượng sử dụng thuốc lá điện tử kém chất lượng, trá hình, thậm chí là vỏ bọc chứa ma túy, chất cấm.

Mặc dù Chính phủ đã sớm có yêu cầu đưa ra quy định đối với thuốc lá thế hệ mới kể từ năm 2017, thế nhưng đến nay sau hơn 6 năm, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể đưa mặt hàng này vào kiểm soát do còn tồn tại quan điểm khác nhau từ một số bộ ngành liên quan.

Như một hệ lụy tất yếu, thuốc lá điện tử lậu đang gây lo lắng cho nhiều bậc phụ huynh khi có nhiều ca ngộ độc trong giới trẻ vì sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và thành phần, chất lượng.

Nhật Bản: Bệnh nhân tim, phổi giảm cùng thời điểm có thuốc lá làm nóng ảnh 2(Nguồn: Vietnam+)

Tại tọa đàm do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tháng 8/2022, Thạc sỹ, bác sỹ Lê Đình Phương, Trưởng khoa Nội tổng quát và Y học gia đình, Bệnh viện FV Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu quản lý tốt thuốc lá làm nóng thì sẽ giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích."

Đồng thời, trước một số ý kiến cảm quan cho rằng thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc hại hơn thuốc lá điếu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đặc biệt lưu ý mọi kết luận cần dựa trên bằng chứng khoa học, ý kiến chuyên gia chỉ là cấp độ thứ yếu so với tất cả những chứng cứ về mặt khoa học.

Phó Giáo sư Ngọc đã chia sẻ nghiên cứu của Hội tim mạch châu Âu trên tạp chí Circulation: Nếu không đốt cháy điếu thuốc lá mà thay bằng hình thức làm nóng thì tỷ lệ sản sinh những chất gây độc trên tim mạch, trên chức năng tiểu cầu giảm đi tới 95%.

Cùng quan điểm, Tiến sỹ, bác sỹ Đào Văn Tú, Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương, viện dẫn thêm kết quả một nghiên cứu ở Đức: hàm lượng các chất gây hại trong khí hơi (aerosol) của thuốc lá làm nóng có thể giảm đến 95% so với khói của thuốc lá điếu.

Do đó, theo các chuyên gia, cần hiểu rõ sự khác nhau cơ bản về cơ chế vận hành của các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới khác nhau, cũng như khác biệt về nền tảng khoa học giữa các sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng so với những sản phẩm đã được kiểm nghiệm bởi các cơ quan y tế uy tín, để từ đó có quyết định ứng xử, quản lý phù hợp và hữu hiệu.

Trên phương diện toàn cầu, các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không vô hại hoàn toàn nhưng ít tác hại hơn đáng kể và là lựa chọn tốt hơn cho người hút thuốc lá khi không thể cai nghiện.

Việc cung những sản phẩm chính danh một cách hợp pháp cho người hút thuốc, đồng thời ngăn chặn sự tiếp cận của giới trẻ, chính là đóng góp vào trụ cột thứ 3 về giảm tác hại do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng ngay từ những ngày đầu xây dựng Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục