Nhiều khó khăn trong triển khai công tác thi hành án dân sự tại Hà Nội

Đại diện các ngành liên quan đều chung nhận định về kết quả triển khai thấp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thi hành án dân sự tại Hà Nội.

Chiều 6/11, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc ký hợp đồng, chuyển giao và tổ chức tống đạt văn bản giữa tòa án, cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố.

Đại diện các ngành liên quan đều chung nhận định về kết quả triển khai thấp và gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã cùng phân tích và nêu rõ thực trạng, nguyên nhân dẫn tới kết quả công tác phối hợp thi hành án triển khai thấp. Từ đó, thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tập trung vào ba nội dung: Tìm biện pháp tăng số lượng văn bản được tống đạt, nâng hiệu quả công tác xác minh điều kiện thi hành án và phối hợp tổ chức thực hiện thi hành án đạt kết quả tốt.

Những vướng mắc này phần lớn tập trung tại hoạt động của các văn phòng thừa phát lại-một hình thức cung cấp dịch vụ tư pháp mới mẻ, đang được đưa vào thực hiện thí điểm tại một số địa phương trên cả nước.

Quá trình thực hiện thí điểm đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thừa phát lại. Điển hình là những sai sót về thẩm quyền lập vi bằng, lúng túng trong việc lập vi bằng, chưa xác định được bản chất của vi bằng nên dẫn đến việc lập vi bằng một số hành vi, sự kiện nhưng văn phòng công chứng từ chối do không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án chưa đạt được kết quả cao. Đặc biệt là việc thiếu hợp tác của các cơ quan, đơn vị thuộc phường xã, nhiều cán bộ chưa hiểu công tác thừa phát lại nên từ chối cung cấp thông tin, gây khó dễ cho cán bộ làm công tác thừa phát lại.

Điển hình như khi xác minh điều kiện thi hành án không nhận được sự hợp tác của ủy ban nhân dân các phường. Phòng tài nguyên môi trường tại một số huyện gây khó khăn, không gửi phản hồi các công văn đề nghị xác minh của văn phòng thừa phát lại. Các cơ quan phối hợp không có thời gian trả lời rõ ràng, theo đúng quy trình của hoạt động thừa phát lại.

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành cũng chưa thống nhất trong một số nội dung như chưa thống nhất việc tống đạt văn bản tại các trại tạm giam; chưa phân chia địa hạt thống nhất; việc ký hợp đồng với các cá nhân không ràng buộc thời hạn với cơ quan thi hành án dân sự, nhưng lại yêu cầu văn phòng thừa phát lại phải có thời hạn rõ ràng...

Đại diện các cơ quan hữu quan đã kiến nghị, đề xuất Sở Tư pháp làm đầu mối, quy định thống nhất việc phân chia địa hạt giữa các văn phòng thừa phát lại, siết chặt mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các địa phương và các cơ quan chức năng Tòa án, Công an, Tài nguyên môi trường...; đồng thời, tổng hợp những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các quy định pháp luật về thi hành án dân sự, về hoạt động của văn phòng thừa phát lại để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, chỉnh sửa cho phù hợp.

Hà Nội hiện thành lập được tám văn phòng thừa phát lại. Sau bảy tháng hoạt động, các văn phòng thừa phát lại đã bắt đầu tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của các tổ chức, cá nhân. Trong đó, chủ yếu là việc ký hợp đồng dịch vụ tống đạt và tống đạt văn bản của các cơ quan thi hành án dân sự; ký hợp đồng dịch vụ tống đạt và tống đạt văn bản của tòa án; xác minh điều kiện thi hành án.

Tổng cộng, các văn phòng thừa phát lại của Hà Nội đã lập 679 vi bằng, tống đạt 1.700 văn bản của tòa án, tống đạt được 1.954 văn bản của các cơ quan thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án của 37/47 trường hợp, tổ chức thi hành án được một vụ việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục