Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 204.000 việc làm trong tháng 10, gây bất ngờ cho các nhà phân tích, bất chấp chính phủ nước này phải đóng cửa một phần trong 2 tuần do bế tắc về ngân sách.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/11, cho biết số liệu việc làm vượt kỳ vọng, song tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế số một thế giới này lại tăng nhẹ, từ mức 7,2% trong tháng 9 lên 7,3 % vào tháng 10.
Mặc dù vậy, các số liệu việc làm trong tháng 8 và tháng 9 cũng vượt dự báo trước đó. Cụ thể, sau khi điều chỉnh, số việc làm mới trong hai tháng 8 và 9 lần lượt là 238.000 và 163.000, cao hơn nhiều so với con số trước đó là 193.000 và 148.000.
Số liệu trên đã giúp thị trường lao động Mỹ tăng trưởng trung bình 202.000 việc làm/tháng trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10, so với mức 146.000/tháng trong giai đoạn từ tháng 5-tháng 7.
Trước đó, các nhà kinh tế đã dự báo việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa sẽ tạo gánh nặng cho tạo việc làm trong tháng 10. Tuy nhiên, thực tế cho thấy bế tắc tài khóa giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đã không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động, mặc dù số lượng việc làm thuộc khu vực chính phủ liên bang giảm 12.000 việc.
Báo cáo chỉ rõ những lĩnh vực cung cấp cho thị trường lao động nhiều việc làm nhất tập trung ở khu vực tư nhân với 212.000 việc làm, ngành nghề chế tạo với 19.000 việc.
Đây là số liệu tích cực nhất kể từ tháng 2 vừa qua. Các công ty xây dựng tạo thêm được 11.000 việc làm trong khi lĩnh vực bán lẻ (44.400 việc làm) và kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ giải trí (53.000 việc làm).
Theo nhà kinh tế và chiến lược gia toàn cầu của công ty môi giới BTIG Dan Greenhaus, cần phải đợi đến báo cáo việc làm tháng 11 để có bức tranh đầy đủ hơn về tác động của việc đóng cửa chính phủ đối với nền kinh tế Mỹ.
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III vừa qua đạt 2,8%.
Đây là mức tăng nhanh nhất của Mỹ kể từ quý III/2012, vượt xa dự báo trước đó của các chuyên gia là 2%.
Theo bộ trên, mức tăng ấn tượng trên là nhờ Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì gói cứu trợ thứ ba (QE-3) và tỷ lệ lãi suất cơ bản thấp, giúp kích thích đầu tư các doanh nghiệp và sức chi tiêu của người dân Mỹ.
Quyết định này được coi là yếu tố đóng góp nhiều nhất thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trong quý III vừa qua./.