Nắng nóng kéo dài, mực nước sông hồ cạn dần, nước mặn theo hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền đang diễn ra trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến khả năng cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực hết mình xây dựng các công trình đập ngăn mặn, giữ ngọt trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho hàng chục nghìn ha lúa và hoa màu.
Đập ngăn mặn, giữ ngọt cầu Gò Nổi, thuộc xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là một trong số những con đập cát được xây dựng cấp tốc để ngăn mặn giữ ngọt.
[Đề nghị hỗ trợ 515 tỷ đồng phòng chống, khắc phục hạn hán, ngập mặn]
Nước mặn từ biển Cửa Đại theo hệ thống sông Thu Bồn chảy ngược qua cầu Câu Lâu và ngày càng xâm nhập sâu vào trong đất liền với độ mặn lên đến 17 phần nghìn.
Đập ngăn mặn, giữ ngọt cầu Gò Nổi có nhiệm vụ giữ nguồn nước ngọt, phục vụ cho hàng chục trạm bơm của các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn và thị xã Điện Bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Điện Bàn, cho biết trên sông Vĩnh Điện (một nhánh sông Thu Bồn), có 3 trạm bơm tưới cho khoảng 1.700ha của thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn và tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân trong vùng.
Ngay từ đầu năm nay, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền nên thị xã Điện Bàn đã đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng xây kè ngăn sông, chống xâm nhập mặn, nhờ đó nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất được đảm bảo.
Tuy nhiên trong tháng Hai và tháng Ba vừa qua, do mực nước sông Thu Bồn giảm thấp nên nước mặn đã xâm nhập từ phía Cửa Đại vào đầu sông Vĩnh Điện, gây khó khăn trong việc cấp nước tưới. Nếu tình hình này kéo dài thì việc cung cấp nguồn nước sinh hoạt cũng sẽ gặp khó khăn.
Theo ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Duy Xuyên, dự báo được nguy cơ nhiễm mặn diễn ra với tốc độ nhanh trên diện rộng, ngay từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thị xã Điện Bàn, thành phố Hội An, các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình đã ra sức đắp đập để ngăn chặn tốc độ xâm nhập ngày càng mạnh của nước biển.
Chỉ riêng tại huyện Duy Xuyên, đã gia cố, sửa chữa 7 hồ chứa, 25 đập dâng, 40 trạm bơm điện và hàng trăm kilômét kênh mương, phục vụ nước tưới cho hơn 3.800ha lúa, gần 2.000 ha cây màu các loại và tạo nguồn để cung cấp nước sinh hoạt.
Hiện tại, mực nước trên các con sông thuộc hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn và hồ chứa đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, tình hình nhiễm mặn diễn ra nhiều nơi.
Điều này cho thấy nguy cơ xâm nhập mặn sẽ còn kéo dài, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.
"Chúng tôi phối hợp với tỉnh đắp đập ngăn mặn ở các trạm bơm, đồng thời dựng một số trạm bơm dã chiến để đảm bảo nước tưới cho diện tích bị nhiễm mặn và tạo nguồn nước phục vụ sinh hoạt," ông Trần Huy Tường cho biết.
Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Quảng Nam Đào Văn Thiên cho hay tình hình xâm nhập mặn diễn ra khá phức tạp. Ngay từ đầu tháng Hai năm nay, độ mặn tại cầu Câu Lâu độ mặn đạt 17 phần nghìn, nước mặn xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn.
Công ty tiến hành đắp nhiều con đập dâng với mục tiêu ngăn không cho nước mặn vào sâu và giữ nguồn nước ngọt để bơm tưới. Khi nguồn nước ngọt thiếu, đơn vị sẽ lấy nước từ hồ chứa Phú Ninh để tạo nguồn.
Xây dựng công trình ngăn mặn, giữ ngọt, kết hợp với các giải pháp phi công trình như tưới tiết kiệm, tưới luân phiên, bơm lách triều, hạn chế thất thoát nguồn nước đang là những giải pháp được tỉnh Quảng Nam vận động người dân thực hiện nhằm đối phó với tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiễm mặn trên diện rộng và ăn sâu vào đất liền, ông Đào Văn Thiên cho biết thêm./.