Nỗ lực thống trị Trung Đông của Iran đang lâm nguy?

Tình trạng bất ổn tiếp diễn ở Liban và Iraq đang làm suy yếu các nỗ lực thiết lập quyền bá chủ của Tehran ở khu vực Trung Đông.
Nỗ lực thống trị Trung Đông của Iran đang lâm nguy? ảnh 1Biểu tình tại Iran. (Ảnh: EPA)

Theo trang mạng thehill.com, hiện là thời điểm khó khăn đối với giới lãnh tụ tối cao Iran. Họ đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình tồi tệ nhất trên toàn quốc kể từ khi lên nắm quyền cách đây 4 thập kỷ.

Các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm tê liệt nền kinh tế Iran và là nguyên nhân chính giải thích tại sao các cuộc biểu tình vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Và tình trạng bất ổn tiếp diễn ở Liban và Iraq đang làm suy yếu các nỗ lực thiết lập quyền bá chủ của Tehran ở khu vực Trung Đông.

Sự can dự của Iran tại Iraq không giống hoạt động của họ ở các nơi khác trong khu vực, đặc biệt là Liban, Syria và Yemen. Iran từ lâu đã tìm cách thống trị các nước láng giềng, những nước mà họ đã chiến đấu trong một cuộc chiến đẫm máu, trong đó phải kể đến cả việc sử dụng vũ khí hóa học trong suốt phần lớn những năm 1980 của thế kỷ trước.

Nước Mỹ đã lật đổ “kẻ thù không đội trời chung” của Iran là Saddam Hussein, và cuộc nội chiến diễn ra sau đó đã tạo ra một cơ hội chưa từng có để Iran can thiệp vào các vấn đề của Iraq, đặc biệt là khi ông Nouri al-Maliki trở thành thủ tướng năm 2006.

Những nỗ lực trấn áp người Sunni của ông Maliki và thiết lập sự thống trị của người Shi'ite, ngoại trừ những khu vực người Kurd, đã cho phép Tehran trở thành lực lượng thống trị ở Iraq, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Barack Obama rút quân đội Mỹ vào cuối năm 2010.

Iran đã rất tích cực tham gia các hoạt động của Bộ Nội vụ Iraq và mở rộng vai trò của mình trong các vấn đề của nước này khi ông Maliki tạo ra Lực lượng Hashd-al-Shabi (Lực lượng Dân quân Iraq) do người Shi'ite chỉ huy vào năm 2014.

[Căng thẳng mới trong quan hệ giữa Iran và các cường quốc]

Lực lượng Hashd đã nhận được sự huấn luyện, đào tạo của Iran, đặc biệt là sự hỗ trợ của Lực lượng đặc nhiệm (Quds) và Chỉ huy lực lượng này là ông Qasem Soleimani, và đã trở thành một yếu tố quan trọng trong nỗ lực đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).

Ông Soleimani đã đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động chính trị Iraq. Đáng chú ý, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đã phàn nàn rằng, trong khi ông ta cần thị thực mỗi khi đến Iraq, thì ông Soleimani có thể vào nước này bất kỳ lúc nào.

Khi ông Adil Abdul Mahdi trở thành thủ tướng vào tháng 10/2018, ông sẵn sàng chấp nhận sự ứng cử của ông Soleimani cho vị trí chủ chốt là bộ trưởng nội vụ.

Một năm sau, với việc ông Abdul Mahdi đe dọa từ chức khi đối mặt với các cuộc biểu tình trên đường phố, ông Soleimani đã có mặt tại Iraq để ngăn chặn sự ra đi của “con rối” của Tehran.

Ông Soleimani đã thất bại trong việc cứu ông Abdul Mahdi. Các cuộc biểu tình tiếp diễn, ban đầu là kết quả của việc tăng giá xăng dầu, đã tập trung phản đối tình trạng tham nhũng của chính phủ và ảnh hưởng của Iran. Và họ đã hạ bệ thủ tướng.

Thật vậy, những người biểu tình đe dọa làm suy yếu tất cả những gì mà Teheran và Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Soleimani đã đạt được trong thập kỷ qua. Iran phản đối việc sáp nhập lực lượng Hashd với các lực lượng chính phủ, điều đáng lẽ phải diễn ra vài năm trước.

Iran lo lắng rằng thủ tướng kế tiếp sẽ không trở thành “con rối” như ông Abdul Mahdi. Trên hết, Iran lo ngại rằng với việc mất đi sự kiểm soát đối với các vấn đề ở Iraq, họ sẽ không còn khai thác dầu mỏ của đất nước này tại thời điểm mà nền kinh tế của chính họ đang bùng nổ.

Điều có ý nghĩa nhất về cuộc bạo loạn chống chính phủ là nó diễn ra ở khu vực phía nam của người Shia và ở Baghdad - cuộc bạo loạn tồi tệ nhất đã xảy ra ở Thành phố Sadr - cũng như ở những thành phố lớn khác của đất nước này.

Giữa người Iraq và người Iran dòng Shi'ite hầu như không có chút tình cảm nào. Sự khinh miệt giữa những người Ba Tư (vốn coi thường người Arập) và những người Arập (vốn căm ghét sự kiêu ngạo của người Ba Tư) có từ thời xuất hiện hai nền văn minh này.

Không phải ngẫu nhiên mà những người Iraq dòng Shi'ite là những chiến binh tích cực trong cuộc chiến chống Iran; tôn giáo tín ngưỡng của họ không phổ biến như Kitô giáo trong vô số cuộc chiến tranh của châu Âu, bao gồm cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Tầm quan trọng lớn hơn nhiều đối với người Iraq là chính phủ - rõ ràng bị Iran chi phối - phải chịu trách nhiệm về cái chết của 400 người và gần 20.000 người bị thương dưới bàn tay của các lực lượng an ninh.

Các báo cáo từ Iraq chỉ ra rằng các gia đình đang bị gây áp lực phải ký vào một lá thư nói rằng người thân của họ chết vì những nguyên nhân khác, chứ không phải bị lực lượng an ninh bắn, chẳng hạn như tranh chấp bộ lạc hoặc tai nạn nào đó.

Các cuộc bạo loạn dường như không thể kết thúc cho đến khi một chính phủ không phải là “tay sai” của Iran lên nắm quyền. Khi điều đó xảy ra, nhân vật chủ chốt đằng sau hậu trường sẽ là Ayatollah Ali al-Sistan, lãnh tụ tối cao người Iraq dòng Shi'ite.

Đó là lời cuối cùng của Đại giáo chủ Sistani mà dẫn đến sự ra đi của ông Abdul Mahdi. Hơn nữa, ông Sistani đã từ chối gặp người Iran đang tìm cách ngăn chặn việc phế truất thủ tướng.

Iran dường như đang khai thác cuộc khủng hoảng chính trị ở Iraq bằng cách di chuyển các tên lửa tầm trung vào nước này, nơi chúng nằm dưới sự bảo vệ của các nhóm dân quân mà họ kiểm soát.

Những tên lửa này là mối đe dọa trực tiếp đối với Israel và Saudi Arabia. Israel đã tấn công lực lượng dân quân hai lần vào mùa hè vừa qua, và không còn nghi ngờ gì nữa, họ chuẩn bị làm điều đó một lần nữa.

Về phần mình, Mỹ đã kiềm chế không can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị ở Iraq, mặc dù họ một lần nữa vẫn duy trì quân đội ở đó và có thể triển khai thêm 14.000 quân đến Vùng Vịnh - một báo cáo mà Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã phủ nhận mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump có những vấn đề khác trong tâm trí, còn các quan chức cấp thấp hơn lo lắng rằng sự can thiệp chính trị của Mỹ ở Baghdad có thể gây phản tác dụng.

Có lẽ họ đúng. Người Iraq không cần sự can thiệp của Mỹ vào thời điểm này. Những gì họ cần là một lời hứa về một chính phủ độc lập ở Baghdad mà sẽ nhận được sự hỗ trợ chính trị và kinh tế của Washington.

Mỹ nên thực hiện lời hứa đó, bởi vì bằng cách đó, nó sẽ giúp ngăn cản mục tiêu của Tehran muốn bá chủ Trung Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục